Cuộc khảo cứu do Ủy ban Quốc tế về Cấm Phổ biến và Giải trừ Võ khí Hạt nhân đã đưa ra một bản phúc trình có tính cách thiết thực về những mối nguy hiểm do võ khí hạt nhân gây ra. Cuộc khảo cứu vừa kể đề nghị những hành động cần phải thực hiện để loại trừ mối đe dọa này.
Bản phúc trình vừa kể lý luận rằng, chừng nào mà có một nước có võ khí hạt nhân thì những nước khác cũng sẽ muốn sở đắc loại võ khí đó, và chừng nào võ khí hạt nhân còn tồn tại, thì sẽ có một người nào đó sử dụng nó vì vô tình hay cố ý.
Ông Gareth Evans là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Úc và hiện là đồng Chủ tịch Ủy ban vừa kể. Ông nói rằng, cần phải thi hành triệt để các biện pháp kiểm soát việc tuân thủ hiệp định cấm phổ biến võ khí hạt nhân này.
Ông nói rằng, điều này là cần thiết để ngăn ngừa các quốc gia tìm kiếm vật liệu hạt nhân để sản xuất một trái bom với danh nghĩa sử dụng nó để sản xuất năng lượng cho mục đích hòa bình.
Ông nói rằng, chiêu bài này đã được Bắc Triều Tiên sử dụng để đạt được khả năng hạt nhân dưới sự che chở của Hiệp định Cấm Phổ biến Võ khí Hạt nhân.
Ông Evans nói tiếp: "Và dĩ nhiên, mức độ mà Iran có thể luồn lách và tránh né nghĩa vụ phải báo cáo, phải minh bạch và không đếm xỉa tới các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đối với họ trong vấn đề tự mình tinh luyện chất uranium cũng gây phức tạp như một số trường hợp mà Cơ quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế không thành công trong cuộc điều tra của chính họ và trong việc đề phòng những tình huống như vậy xảy ra."
Ông Evans nói rằng, cần phải gây thêm nhiều áp lực đối với Iran để họ tuân hành những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ông nói rằng, Nga và Trung Quốc phải hợp tác trong việc áp đặt các biện pháp chế tài đối với chính phủ Tehran.
Nhưng ông nói rằng, cuối cùng thì sẽ phải có một giải pháp qua thương thuyết để đem Iran trở lại đúng hướng và Iran sẽ không thể không tuân theo thoả thuận về tinh luyện uranium.
Ông Evans cho biết: "Rõ ràng là Iran sẽ không thể bị ngăn cản không cho có khả năng tinh luyện uranium và có thể còn có khả năng nhiều hơn nữa trên phương diện phát triển võ khí hạt nhân. Vậy thì, trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, nếu muốn thì Iran có thể thật sự chế tạo võ khí hạt nhân. Tôi không nghĩ là Iran sẽ bị ngăn cản không cho thực hiện chuyện đó. Nhưng tôi nghĩ rằng Iran sẽ bị ngăn cản và được thuyết phục đừng tiến tới giai đoạn thật sự biến những vật liệu đó thành võ khí."
Theo ước tính thì có khoảng 23 ngàn võ khí hạt nhân trên thế giới. Tổng cộng thì Hoa Kỳ và Nga có 22 ngàn võ khí hạt nhân. Cuộc khảo cứu vừa kể cho biết, có thể là từ nay tới năm 2025 số võ khí hạt nhân này sẽ được cắt giảm xuống còn 2 ngàn.
Cuộc khảo cứu nói rằng, tất cả các nước nên ký một hiệp định về đường lối "không sử dụng võ khí hạt nhân trước" và các nước có võ khí hạt nhân phải đồng ý với nhau là không triển khai hầu hết những võ khí vừa kể.
Cuộc khảo cứu mới do một ủy ban độc lập các chuyên gia trên thế giới thực hiện yêu cầu thi hành các biện pháp kiểm soát mạnh hơn đối với hiệp định cấm phổ biến võ khí để ngăn chặn các nước tìm cách sở đắc các võ khí có sức tàn phá đại quy mô này. Thông tín viên đài VOA, Lisa Schlein, tường thuật từ Geneve rằng, cuộc khảo cứu vừa kể được các chính phủ Australia và Nhật Bản bảo trợ.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1