Đường dẫn truy cập

LHQ sắp biểu quyết về biện pháp cấm vận mới đối với Iran


Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc dự trù biểu quyết vòng chế tài thứ tư đối với Iran vì chương trình hạt nhân khả nghi của họ vào sáng hôm nay. Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ, bà Susan Rice, cho biết bản dự thảo nghị quyết này có rất nhiều biện pháp mới, nghiêm khắc và có tính cách ràng buộc và bà dự kiến nghị quyết sẽ được thông qua với đa số lớn trong 15 nước thành viên trong Hội đồng Bảo an. Từ trụ sở LHQ, thông tín viên VOA Margaret Besheer ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Đại sứ Rice mô tả bản dự thảo nghị quyết là “mạnh mẽ” và “dựa trên cơ sở rộng rãi” và bà nói thêm là nghị quyết sẽ tác động đáng kể đối với Iran, cho nên Tehran đã cố gắng tìm cách ngăn cản không cho nghị quyết thông qua. Bà Rice tóm tắt một vài biện pháp trừng phạt mới sẽ được thực thi một khi nghị quyết được thông qua hôm nay.

Bà Rice nói nghị quyết cấm Iran không được đầu tư vào các cơ sở hạt nhân và các hoạt động hạt nhân khác ở nước ngoài. Bà cho biết có những hạn chế mang tính cưỡng hành về vũ khí, cấm phóng các phi đạn đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và một loạt những biện pháp mà hợp chung lại sẽ đưa tới một chế độ thanh sách có tính bắt buộc.

Ngoài ra đại sứ Rice cũng cho biết bản dự thảo nghị quyết mới chứa những biện pháp tài chính có tính cách “đột phá,” trong đó có những hạn chế về những giao dịch của các thực thể thuộc quyền sở hữu và kiểm soát, hoặc thay mặt cho Đội Vệ binh Cách mạng đầy quyền lực của Iran.

Iran bác bỏ các cáo buộc cho rằng chương trình hạt nhân của họ không phải nhắm các mục tiêu hòa bình và cảnh báo rằng bất kỳ biện pháp chế tài mới nào đều có thể có nghĩa là chấm dứt các cuộc đàm phán về vấn đề này.

Văn bản của nghị quyết và các phụ lục định rõ các cá nhân và thực thể bị nhắm làm mục tiêu cho các biện pháp chế tài đã được đúc kết xong hôm qua.

Hai thành viên trong Hội đồng Bảo an là Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil đã tỏ ra miễn cưỡng trong việc ủng hộ vòng chế tài mới sau khi chính phủ của hai nước thương thảo với Iran về một hiệp ước, theo đó Iran sẽ đưa uranium của họ tới Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy nhiên liệu sử dụng trong một lò nghiên cứu hạt nhân của Tehran.

Một nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sau cuộc thảo luận riêng hôm qua, rằng chính phủ ông đã nói với các thành viên Hội đồng Bảo an rằng áp đặt các biện pháp chế tài vào lúc này là có hại cho đường lối song hành là vừ giao tiếp vừa làm áp lực. Nhà ngoại giao này nói thêm rằng việc Hoa Kỳ đưa nghị quyết ra trước Hội đồng Bảo an vào ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil thương thảo về hiệp ước trao đổi với Iran là “hết sức thiếu thông tin” về đường lối ngoại giao.

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil, lá phiếu của Li Băng cũng chưa chắc chắn. Tổ chức Hezbollah của Li Băng có các quan hệ mật thiết với Iran và đóng một vai trò quan trọng về chính trị tại Li băng. Một lá phiếu ủng hộ nghị quyết của Li băng có thể gây ra tình trạng bất ổn tại nước này. Theo dự trù, Li Băng sẽ bỏ phiếu trắng trong cuộc biểu quyết hôm nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG