Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi trả tự do cho nhân vật bất đồng chính kiến Trung Quốc và là người được trao giải Nobel hòa bình, ông Lưu Hiểu Ba.
Vào hôm trước ngày Nhân Quyền, bà Navi Pillay nói trường hợp của ông Lưu Hiểu Ba minh chứng cho những hiểm nguy và những hành hạ mà những người bênh vực nhân quyền trên khắp thế giới đang bị nhắm tới.
Ngày 10 tháng 12 năm nay là ngày nhân quyền, được dành để vinh danh hàng trăm ngàn người bênh vực cho quyền con người.
Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, bà Navi Pillay, gọi họ là những anh hùng vô danh.
Bà nói rằng nhân vật bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba là một tấm gương bênh vực nhân quyền hiện đang phải trả một cái giá đắt cho những hoạt động của ông.
Bà thấy rằng bản án 11 năm tù giam cho hành động tìm cách cải thiện nhân quyền ở Trung Quốc là quá hà khắc.
Bà Pillay nói là bà cũng cảm thấy thất vọng trước những hạn chế mới đây mà Trung Quốc áp đặt đối với người vợ của ông Lưu Hiểu Ba và những người quen biết gần xa với ông. Bà nói:
“Trong những tuần lễ gần đây, văn phòng chúng tôi đã nhận được những tin tức cho biết ít nhất 20 nhà tranh đấu cho nhân quyền bị bắt hay bị câu lưu, và hơn 120 vụ khác bị quản thúc tại gia, bị hạn chế quyền tự do đi lại, bị cưỡng bách dời cư hoặc những hành vi hăm dọa khác. Trong số này có cả bà Lưu Hà, vợ của ông Lưu Hiểu Ba, vẫn còn bị quản thúc, trong quan điểm của tôi, đây là hành động đi ngược lại với chính luật pháp quốc gia của Trung Quốc.”
Bà Pillay cho hay bà sẽ tiếp tục mở các cuộc thảo luận với nhà cầm quyền Trung Quốc về các trường hợp này.
Quay sang một vấn đề đang được chú ý đến, Cao Ủy nhân quyền nói rằng vấn đề WikiLeaks tiết lộ tin tức đã nêu lên các câu hỏi phức tạp về nhân quyền.
Bà nói những câu hỏi này liên quan đến việc cân bằng giữa quyền tự do thông tin và quyền dược biết với nhu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự công cộng.
Bà nói đây là một hành động cân bằng rất khó khăn, và cuối cùng vấn đề sẽ phải để một tòa án quyết định.
Bà cho biết là bà lo ngại về những tin cho biết có áp lực nhắm vào các công ty tư, kể cả ngân hàng, các công ty điều hành thẻ tín dụng và các công ty cung cấp dịch vụ máy chủ.
Bà cho rằng đây rõ ràng nhắm mục đích đóng nguồn tặng dữ qua thẻ tín dụng cho WikiLeaks, cũng như đóng cửa luôn trang mạng này. Bà nói:
”Nói chung, những hành động này có thể được hiểu như một toan tính kiểm duyệt việc loan tải thông tin. Vì vậy, nó có tiềm năng vi phạm quyền tự do bày tỏ ý kiến của WikiLeaks. Nếu như WikiLeaks vi phạm luật lệ nào được công nhận thì chuyện đó cần được hệ thống luật pháp xử lý, chứ không phải bằng áp lực và hăm dọa, kể cả đối với các công ty và ngân hàng. “
Bà Pillay cho biết bà đã đọc những hồ sơ do WikiLeaks tiết lộ, cho thấy là Hoa Kỳ biết về việc sử dụng tra tấn rộng rãi và đối xử tàn tệ với những người bị các lực lượng Iraq bắt giữ.
Bà nói rằng bà cảm thấy buồn nản trước sự kiện là mặc dù biết, Hoa Kỳ vẫn cứ xúc tiến việc chuyển giao hàng ngàn người bị các lực lượng Mỹ bắt giữ cho nhà chức trách Iraq giữa những năm 2009 và 2010. Cao Ủy Nhân quyền nói điều này có cơ tạo nên một vi phạm rộng lớn đạo luật quốc tế về nhân quyền.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1