Hơn 12 triệu 500 ngàn người bị ảnh hưởng của nạn hạn hán nghiêm trọng nhất ở khu vực sừng Phi châu kể từ 60 năm qua.
Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp quốc, bà Navi Pillay, đồng ý rằng một thiên tai là nguyên nhân gây ra tình trạng khẩn cấp khủng khiếp này. Nhưng bà nêu lên rằng một số chính phủ đã không thực thi nghĩa vụ nhân quyền càng làm trầm trọng thêm cho một tình huống đã hết sức thê thảm đầy chết chóc rồi.
Bà nói: "Chắc chắn là những trở ngại cố ý gây ra cho công tác nhân đạo và nhân quyền đã làm tăng thêm tình trạng đầy tuyệt vọng này. Tác động vòng xoáy của cuộc khủng hoảng giờ đây tràn ngập vùng sừng Phi châu, là nơi có đến 750 ngàn mạng sống có thể lâm nguy. Khước từ quyền có lương thực phá hoại quyền được chăm sóc sức khỏe, vì thế nhiên hậu, nó khiến cho quyền làm người căn bản nhất, là quyền sống, bị lâm nguy."
Cao Ủy Nhân Quyền không nêu đích danh quốc gia nào. Tuy nhiên người ta đã biết rõ là nhóm Hồi giáo chủ chiến al- Shabab ở Somalia đã không để cho Chương Trình Lương Thực Thế Giới phân phát lương thực cho hàng trăm ngàn người đang đói ăn trong những nơi mà họ kiểm soát tại miền nam nước này.
Hệ quả cũng thấy rõ một cách đau đớn. Liên Hiệp Quốc đa tuyên bố 6 khu vực tại miền nam là những vùng bị nạn đói và nói rằng nạn đói đang tiếp tục lan rộng.
Chuyển từ cuộc khủng hoảng lương thực sang cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bà Pillay nêu lên rằng chính giới nghèo phải chịu đựng ảnh hưởng nặng nhất của việc giảm chi và những biện pháp khắc khổ khác. Bà nói những lo sợ về một cuộc suy thoái mới của toàn cầu đang gây ra tình trạng bất ổn và những vụ biểu tình phản đối ngoài đường phố trên khắp thế giới.
Cao Ủy Nhân quyền cho biết bà đã tham gia vào lễ tưởng niệm hôm Chủ nhật cho những nạn nhân của các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 một thập niên trước đây. Bà nói những người coi thường quyền làm người tiếp tục giết hại và gây thương tổn cho những người vô tội.
Bà nêu lên một ví dụ hồi gần đây là vụ tấn công khủng bố hồi tháng trước nhắm vào một cơ sở của Liên Hiệp Quốc tại thủ đô Abuja của Nigeria. Hơn 20 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Bà nói: "Cũng trong ý nghĩa đó, hãy để tôi nêu lên rằng những biện pháp do các quốc gia cho áp dụng để chống khủng bố thường được đề ra mà không đặt nặng đủ vấn đề tôn trọng nhân quyền. Đây cũng là điều thường dẫn đến tình trạng sói mòn nhân quyền và kỳ thị, và do đó tạo nên một vòng oan nghiệt của bạo động và trả thù. "
Bà Pillay trưng dẫn trường hợp của Sri Lanka làm ví dụ. Bà nói quốc gia này đã chịu đựng những hậu quả tàn bạo của các hành vi khủng bố trong suốt 30 năm. Nhưng thay vì tìm cách hàn gắn vết thương, theo bà, sự đáp ứng của các chính phủ kế tiếp nhau đã phá hoại những định chế độc lập, nhân quyền và pháp quyền.
Cũng như vậy, theo bà, các vụ giết hại thường dân của các lực lượng chính phủ và quốc tế tham gia vào các hoạt động chống khủng bố tại Afghanistan, Iraq và Pakistan là mối quan ngại lớn.
Bà nói những vụ biểu tình tại Trung Đông, Bắc Phi và những nơi khác bắt nguồn từ việc các quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội bị khước từ, cũng như các quyền công dân và quyền chính trị.
Bà nói sự vi phạm quyền làm người là gốc rễ của nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu đang hiện hữu. Để đối lại với những khó khăn đó, theo bà, lề lối cai trị đúng đắn, nhân quyền và pháp quyền là một phần cốt yếu của một giải pháp bền vững cho vấn đề.
Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, bà Navi Pillay, nói tình hình khẩn cấp về lương thực tại vùng sùng Phi châu càng trầm trọng hơn tại các quốc gia không tôn trọng những quyền căn bản của con người. Bà Pillay cũng nêu rõ những mối lo ngại khác về nhân quyền trong một diễn văn đọc vào dịp khai mạc phiên họp kéo dài 3 tuần của Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneve.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1