Cử tọa đông đảo đã vỗ tay hoan hô trước khi chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, ông Sihasak Phuangketkeow, có cơ hội loan báo kết quả. Một màn ảnh video khổng lồ cho thấy kết quả cuối cùng là 23 phiếu ủng hộ việc chấm dứt phân biệt đối xử với những người tính dục đồng phái, lưỡng phái, và chuyển phái, có 19 phiếu chống và 3 phiếu trắng.
Chính phủ Obama là một ủng hộ viên kiên trì cho nghị quyết này. Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Eileen Chamberlain Donahoe, nói rằng Hoa Kỳ vô cùng phấn khởi trước kết quả của nghị quyết đơn giản nhưng có tính cách lịch sử này:
“Hôm nay, chúng ta đã tiến một bước quan trọng trong việc thừa nhận rằng nhân quyền thật sự là phổ quát. Chúng ta thừa nhận rằng việc áp dụng hành vi bạo lực đối với một cá nhân vì bản chất của họ là sai trái. Quyền được chọn người yêu và chia sẻ đời mình với người mà ta yêu là thiêng liêng. Thêm nữa, chúng ta đã gởi đi một thông điệp rõ ràng rằng mỗi con người phải được bảo vệ như nhau trước hành vi bạo lực và phân biệt đối xử. Hôm nay, chúng ta đã làm nên lịch sử trong cuộc tranh đấu cho sự công bằng căn bản và bình đẳng.”
Nhưng không phải tất cả mọi nước đều hài lòng và phấn khởi trước kết quả này. Các nước Ả Rập và Châu Phi cực lực phản đối nghị quyết vừa kể.
Đại sứ Pakistan, ông Zamir Akram, đại diện cho Tổ Chức Nghị Hội Hồi Giáo phát biểu rằng tổ chức của ông rất lo ngại khi Hội Đồng Nhân Quyền đã thảo luận về những ý niệm gây nhiều tranh cãi về định hướng tính dục.
Ông nói thêm không có căn bản pháp lý trong bất cứ cơ quan nhân quyền quốc tế nào để đề cập vấn đề ý thích và hành vi tính dục cá nhân tại Liên Hiệp Quốc.
Ông Ositadina Anaedu, Đại diện của Nigeria, phát biểu thay cho nhiều nước Châu Phi, đặc biệt gay gắt chỉ trích Nam Phi là nước bảo trợ chính cho nghị quyết này. Ông Anaedu tố cáo Nam Phi đã rời bỏ hàng ngũ các nước Châu Phi để đứng về phe các nước Phương Tây.
Ông nói các nước Châu Phi phản đối chủ nghĩa chủng tộc và phân biệt đối xử, nhưng trích thuật lời Tổng thống Nigeria nói rằng, các quyền của cá nhân và của quốc gia không phải là vấn đề để quốc tế quan tâm.
Bất chấp lời chỉ trích này, Nam Phi vẫn quyết tâm theo đuổi niềm tin của họ là tất cả mọi người đều bình đẳng và đáng được hưởng quyền bình đẳng.
Nghị quyết vừa kể nói rằng “không ai phải chịu phân biệt đối xử hay các hành vi bạo động vì định hướng tính dục của mình hoặc bản chất giới tính của mình.”
Nghị quyết bày tỏ lo ngại nghiêm trọng trước những hành vi bạo động và phân biệt đối xử tại nhiều nơi trên thế giới đối với những người tính dục đồng phái, lưỡng phái, và chuyển phái. Nghị quyết này cũng đề nghị thực hiện một cuộc khảo cứu về các đạo luật phân biệt đối xử cũng như các hành vi bạo động đối với các cá nhân dựa trên định hướng tính dục và bản chất phái tính.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận một nghị quyết lịch sử có mục đích cho những người tính dục đồng phái được hưởng quyền bình đẳng với những người tính dục khác phái. Nghị quyết vừa kể được thông qua với một đa số mỏng manh và trước sự phản đối mạnh mẽ của các nước Châu Phi và Ả Rập.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1