Ba cơ quan lương thực của Liên Hiệp Quốc đặt trụ sở tại Rome bày tỏ quan ngại về giá lương thực trong năm 2011.
Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO), Chương trình Lương thực Thế giới và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Thế giới đưa ra khuyến cáo đó trong phúc trình hàng năm về tình trạng mất an ninh lương thực trên thế giới.
Các giới chức Liên hiệp quốc như Kostas Stamoulis, giám đốc ủy ban nông nghiệp và Phát triển Kinh tế của Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc nói giá cả dự kiến sẽ vẫn cao và bấp bênh hơn.
Ông nói: “Sự thể này tạo ra một môi trường đầy rủi ro cho an toàn lương thực thế giới, không những cho các nước nhỏ và các nước nhập khẩu lương thực chính, mà còn cho cả các nhóm dễ bị tác động trong nội bộ nhiều nước, dù là các nhóm xuất hay nhập khẩu. Đây là một vấn đề mà chúng ta cần đối mặt và đối phó.”
Vẫn theo phúc trình này, đầu tư vào lãnh vực nông nghiệp là điều thiết yếu. Phúc trình nói thất bại trong việc gia tăng năng suất sẽ làm giá cả tiếp tục giao động, khiến nông dân và người tiêu dùng nghèo tại các nước phải nhập khẩu lương thực gặp nguy cơ cao lâm cảnh nghèo túng.
Ông Stamoulis cho rằng đầu tư vào nông nghiệp sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thành phần này.
Ông nói: “Tăng năng suất nông nghiệp sẽ có kết quả lâu dài về mặt gia tăng sản xuất lương thực theo đường lối vững bền và hiệu quả, ngoài ra còn mang lại thu nhập cho các gia đình ít thành viên, có người cao tuổi hơn, thành phần bị tác hại nghiêm trọng vì tình hình giá cả bấp bênh.”
Các chính phủ được yêu cầu chia sẻ thông tin về dự báo tình hình lương thực và mức dự trữ lương thực, để tránh những giao động giá cả, đã gây ra các cuộc nổi loạn vì lương thực, và tình trạng bất ổn xã hội từ năm 2006 tới năm 2008.
Nhưng giá lương thực còn tăng cao hơn nữa từ năm 2010 tới năm 2011.
Ông Stamoulis của Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc giải thích:
“Chính thành phần giá cả trong những năm 2010 tới 2011 cùng vài sự kiện đã giúp đảo ngược tình hình lương thực tệ hại, như các vụ mùa lớn tại một số các nước nghèo nhất đã giúp tránh một tai họa quy mô liên quan đến vấn đề an toàn lương thực.
Nhưng nếu tình hình tiếp tục xấu đi mãi, chúng ta sẽ chứng kiến các cuộc phản đối của dân và bất ổn khi nhiều người thấy an ninh lương thực của họ bị đe dọa nghiêm trọng.”
Theo các cơ quan Liên Hiệp Quốc, các nỗ lực nhằm giảm xuống phân nửa số người đói kém trên thế giới trước năm 2015, đang gặp nhiều thách thức vì các cuộc khủng hoảng lương thực và kinh tế trong những năm gần đây.
Nhưng dù cho đạt được các mục tiêu ấy đi nữa, khoảng 600 triệu người tại các nước đang phát triển - một số quá đông người theo FAO- vẫn tiếp tục bị đói mỗi ngày.
Trong phúc trình hàng năm về tình hình mất an ninh lương thực trên thế giới, các cơ quan lương thực của Liên Hiệp Quốc nói rằng giá gạo, lúa mì và các nhu yếu phẩm khác dự kiến sẽ tiếp tục bất ổn, và có thể còn trở nên bất ổn hơn nữa. Phúc trình này nói rằng các nông dân và người tiêu dùng nghèo, nhất là tại châu Phi, là thành phần bị tác động nhiều nhất.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1