Ông John Holmes cho biết xung đột và chiến tranh đã khiến 27 triệu người trên thế giới phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong đất nước của mình tính đến cuối năm 2009, và đây là con số cao nhất kể từ khi số liệu về người tản cư vì xung đột được chính thức kiểm kê. Ông Holmes cho biết thêm rằng trong số người vừa kể có gần 7 triệu người mới bị thất tán trong năm vừa qua.
Ông Holmes nói: "Chỉ riêng ở Pakistan đã có tới 1 triệu 800 ngàn người tản cư, tuy nhiều người trong số đó đã hồi cư. Nhưng Cộng hòa Dân chủ Congo Sudan, Somalia, Philippines và Colombia cũng xảy ra những vụ tản cư mơí với qui mô lớn."
Ông Holmes nói rằng có một điều đáng lo ngại là số người mới bị thất tán tiếp tục cao hơn nhiều so với số người hồi cư hoặc tái định cư.
Bên cạnh đó, Cơ quan Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết trong một bản phúc trình hồi gần đây rằng trong năm ngoái có hơn 15 triệu người tị nạn trên toàn thế giới.
Ông Holmes nói tiếp: "Có một sự thiếu thốn rất lớn về những giải pháp lâu dài cho hàng triệu người mắc kẹt trong tình cảnh phải tản cư trong một thời gian dài, làm gia tăng nỗi tuyệt vọng của họ cũng như sự lệ thuộc của họ vào sự trợ giúp nhân đạo."
Ông Holmes đã lãnh đạo hoạt động cứu trợ khẩn cấp và công tác nhân đạo của Liên Hiệp Quốc trong 3 năm rưỡi và đanh chuẩn bị rời khỏi chức vụ. Ông nói với Hội đồng Bảo an rằng những sự hạn chế đối với quyền tự do đi lại để thực hiện công tác nhân đạo tiếp tục là một vấn nạn lớn tại nhiều nước có xung đột.
Ông cũng cảnh báo rằng số nhân viên cứu trợ bị tấn công đang trên đà gia tăng – hơn 100 người bị sát hại trong năm 2008 và 2009, và có ít nhất 30 người đã bị giết từ đầu năm tới nay. Ngoài ra còn có 200 người khác bị bắt cóc hoặc bị thương trong 4 năm qua.
Ông Holmes hối thúc Hội đồng Bảo an lưu tâm tới vấn đề buộc những kẻ vi phạm luật lệ nhân đạo phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ:
Ông Holmes cho biết: "Cách hành xử của những phe trong cuộc xung đột chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi sự cảm nhận của họ về khả năng họ sẽ bị trừng phạt và phải chịu trách nhiệm đối với các nạn nhân của họ và những dấu hiệu rõ ràng để họ thấy là nạn tự tung tự tác sẽ bị ngăn chận."
Ông Holmes nói rằng tuy các hệ thống tư pháp quốc gia phải tiếp tục là tuyến phòng thủ thứ nhất nhưng cộng đồng quốc tế phải tìm kiếm những lựa chọn khác khi nào những hệ thống đó không có khả năng hoặc không muốn đưa những kẻ phạm pháp ra trước ánh sáng công lý và cung cấp những sự trợ giúp thỏa đáng cho các nạn nhân.
Người đứng đầu công tác nhân đạo của Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng số thường dân bị thiệt mạng và thất tán trong những vụ xung đột đang trên đà gia tăng. Ông John Holmes hôm thứ tư nói Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng các chiến binh và những nhóm vũ trang ngày càng thực hiện nhiều hơn những vụ tấn công nhắm vào thường dân cũng như nhân viên cứu trợ giúp đỡ cho thường dân. Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, thông tín viên Margaret Besheer của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1