Chuyến thăm 4 ngày của ông Tomas Quintana bao gồm những chuyến đi đến thị trấn Mae Sot ở biên giới Thái Lan, và thành phố Chiang Mai miền bắc Thái Lan, nơi ông gặp các tổ chức nhân quyền Miến Điện.
Các nhà hoạt động cho nhân quyền mô tả chuyến đi của báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc là một “sứ mạng tìm hiểu sự thực.” Các nguồn tin Liên hiệp quốc nói ông đã rời khỏi Thái Lan hồi tối hôm qua.
Tại thị trấn Mae Sot, nơi hàng ngàn người Miến Điện tỵ nạn và người Miến Điện lưu vong sinh sống, ông Quintana đã họp với Hiệp Hội trợ giúp Tù nhân Chính trị tại Miến Điện.
Ông Bo Kyi, đồng thư ký hiệp hội, cho biết: “Lý do ông đã đi thăm vùng biên giới Thái Lan Miến Điện là để thu thập thông tin về các vụ vi phạm nhân quyền của Miến Điện. Vì thế trong chuyến thăm chúng tôi, chúng tôi đã thảo luận về vấn đề tra tấn, và ở bên trong Miến Điện và sau đó và vấn đề tra tấn tại các nhà tù, rồi là hệ thống tư pháp ở Miến Điện, vấn đề thuốc men cho các tù nhân chính trị – đại khái đó là những gì ông đã bàn tới.”
Ông Bo Kyi cho hay ông Quintana đã tỏ ra bất bình trước tình hình nhân quyền ở Miến Điện. Các tổ chức nhân quyền nói rằng chính phủ quân nhân Miến Điện đang giam giữ hơn 2 ngàn tù nhân chính trị, trong đó có khôi nguyên giải Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi, hiện đang bị quản thúc tại gia.
Các tổ chức khác mà VOA tiếp xúc được không muốn tiết lộ chi tiết về các cuộc bàn luận đã diễn ra với ông Quintana. Ông đã không gặp giới truyền thông báo chí trong chuyến đi này.
Bà Debbie Stothardt, phát ngôn viên của Mạng lưới Thay thế ASEAN, nói rằng ông Quintana mưu tìm sự thông tin tận mắt về tình hình mà người Miến Điện tỵ nạn tại Thái Lan đang phải đối phó.
Bà Stothardt nói: “Đây là một hành động rất thực tiễn của ông Quintana khi đến tận biên giới và tận mắt nhìn thấy một vài hậu quả dài hạn của các vụ vi phạm nhân quyền của chế độ tại Miến Điện.”
Ông Quintana đã cố gắng thực hiện chuyến thăm lần thứ tư đến Miến Điện, nhưng giới hoạt động nói rằng chính phủ Miến Điện đã không cấp thị thực cho ông.
Các tổ chức nhân quyền nói có lẽ đó là hậu quả của việc ông Quintana đưa ra lời kêu gọi một ủy ban điều tra về các tội ác chiến tranh và các tội ác chống nhân loại của chính phủ Miến Điện, còn gọi là Hội đồng Phát triển và Hòa bình Nhà nước, tức SPDC.
Bà Storthardt nói việc từ chối không cấp thị thực là một trở ngại.
Bà Storthardt nói tiếp: “Đây không phải là một dấu hiệu tốt khi SPDC từ chối cho vào Miến Điện, nhất là vào thời điểm này khi chế độ được cho là đang tổ chức các cuộc bầu cử để cải thiện tình hình.”
Quân đội cho biết sẽ tổ chức bầu cử vào cuối năm nay, nhưng chưa thông báo ngày tháng. Các tổ chức nhân quyền cho rằng cuộc bầu cử lần đầu tiên từ 20 năm nay và hiến pháp mới của Miến Điện sẽ củng cố thêm cho ảnh hưởng của quân đội.
Các nhà hoạt động Miến Điện nói rằng ông Quintana dự trù sẽ trình một báo cáo về các vi phạm nhân quyền của chính phủ Miến Điện nội trong năm nay.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về nhân quyền ở Miến Điện đã gặp các tổ chức nhân quyền và các cựu tù nhân chính trị nhân một chuyến đi thăm Thái Lan. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Ron Corben ở Bangkok, thông tin mà ông thâu thập được từ các cuộc gặp gỡ này dự trù sẽ nằm trong một bản tường trình với Liên Hiệp Quốc.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1