Đặc sứ Liên hiệp quốc phụ trách vấn đề nhân quyền ở Miến Điện, ông Tomas Ojea Quintana, nhận xét rằng chính phủ mới ở Miến Ðiện không có mấy biện pháp hầu ngăn chặn các hành động sách nhiễu của quân đội đối với các sắc tộc thiểu số sinh sống dọc theo khu vực biên giới giáp ranh với Thái Lan.
Trong nhiều chục năm nay, quân đội Miến Ðiện chiến đấu chống lại các tổ chức nổi dậy của người sắc tộc đòi tự trị và viện dẫn tình hình xung đột nội bộ là lý do mà họ cần phải duy trì quyền lực ở một cấp độ đáng kể.
Tháng 11, Miến Điện tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên trong vòng 20 năm nay, và nói rằng đây là bước cuối cùng trong quá trình chuyển đổi từ chính quyền quân sự sang một chính quyền dân sự. Cuộc bầu cử bị nhiều người chỉ trích là không tự do và không công bằng, mà chỉ là một hình thức để quân đội duy trì quyền lực.
Dù chính quyền dân sự đã được thành lập, đặc sứ Liên hiệp quốc Quintana nhận xét chưa có một biện pháp nào hầu giải quyết tình trạng bạo động tiếp diễn.
Ông Quintana nói: “Tình trạng quân sự hóa một cách có hệ thống góp phần gây ra những vi phạm nhân quyền bao gồm nạn tịch thu đất đai, cưỡng bức lao động, tình trạng thất tán trong nước, các vụ giết chóc phi pháp, và nạn bạo động tình dục. Các vi phạm lan tràn này hiện vẫn tiếp diễn và vẫn chưa được chính quyền giải quyết.”
Ông Quintana cho rằng có thể cần có phải có một ủy ban điều tra Liên hiệp quốc để hỗ trợ cho công cuộc hòa giải dân tộc và xây dựng sự khả tín. Vẫn theo lời ông, trong một vài trường hợp như nạn cưỡng bức lao động chẳng hạn, các vi phạm rõ ràng là được nhà nước hậu thuẫn.
Ông Quintana nói tiếp: “Miến Điện có thể là quốc gia duy nhất hoặc nằm trong số các nước duy nhất trên thế giới có nạn cưỡng bách lao động do nhà nước thực thi, chứ không phải là do các cá nhân riêng lẻ nào”.
Dù vậy, ông Quintana cho rằng có một số dấu hiệu tích cực như giới làm luật đã nêu lên các thắc mắc về nhân quyền và việc đối xử với các nhóm sắc tộc.
Ông Quintana nói: “Các câu hỏi được nêu lên bao gồm khả năng một cuộc ngưng bắn ở bang Kayin, vấn đề quốc tịch của người Rohingya, và liệu có nên ân xá cho các tù nhân chính trị sắc tộc Shan hay không.”
Đặc sứ Liên hiệp quốc đã phát biểu trước giới truyền thông ở Bangkok sau chuyến thăm 1 tuần tới Thái Lan mà qua đó ông đã tiếp xúc với các nhà hoạt động, các chuyên gia, và các giới chức để bàn về tình hình ở Miến Điện.
Ông Quintana không thể đi thăm Miến Điện vì chính quyền nước này không cấp visa cho ông, nhưng ông đã gặp đại sứ Miến Điện tại Thái Lan. Ngoài ra, ông cũng đã điện đàm với lãnh tụ dân chủ của Miến Ðiện là bà Aung San Suu Kyi. Ông Quintana cho biết bà Suu Kyi ủng hộ quan điểm về một ủy ban Liên hiệp quốc.
Vẫn theo ông Quintana, công cuộc hòa giải dân tộc ở Miến Điện cần có sự tham gia của mọi thành phần có liên hệ và cần phải bắt đầu bằng việc phóng thích hơn 2.000 tù nhân chính trị bị giam cầm ở Miến Ðiện.
Ðặc sứ LHQ: Không có tiến bộ ở Miến Ðiện dù đã có tân chính phủ
Một đặc sứ Liên hiệp quốc phụ trách vấn đề nhân quyền của Miến Điện nhận xét rằng tân chính phủ của Miến Ðiện không giải quyết tình trạng sách nhiễu tràn lan đối với các nhóm sắc tộc thiểu số. Thông tín viên đài VOA Daniel Schearf gởi về bài tường trình từ Bangkok.