Điều tra viên Liên Hiệp Quốc, ông Tomas Ojea Quintana, vừa trở về từ chuyến công tác thứ ba của ông ở Miến Điện kể từ khi ông đảm nhiệm chức vụ năm 2008. Ông Quintana đã lưu lại quốc gia này 4 ngày vào giữa tháng Hai. Ông nói rằng, thời gian nhà cầm quyền Miến dành cho công tác của ông quá ngắn, và họ không cho phép ông được thực hiện đầy đủ những tiếp xúc cần có trong việc điều tra.
Tuy nhiên, ông cho biết, ông đã được viếng thăm ba nhà tù và thực hiện các cuộc phỏng vấn sâu rộng 15 tù nhân. Ông cho biết, ông đã được gặp nhà chức trách và đại diện của các đảng chính trị, các sắc tộc thiểu số, và những thành phần khác nữa.
Ông Quintana nói rằng, mặc dầu Miến Điện tuyên bố hoa trương, ông vẫn không tin là chính phủ nước này thi hành những cải tổ cần thiết theo chiều hướng xây dựng các định chế dân chủ.
Ông cho biết, một đạo luật mới ban hành đã tước bỏ quyền của các tù nhân lương tâm, không cho họ tham gia các cuộc bầu cử sắp tới trong năm nay.
Ông nói: "Không có dấu hiệu nào cho thấy là các tù nhân lương tâm sẽ được phóng thích, và rằng tự do bày tỏ ý kiến, tự do hội họp và tự do lập hội sẽ được áp dụng. Theo sự thẩm định của tôi thì trong điều kiện hiện nay, các cuộc bầu cử tại Miến Điện không thể coi là đáng tin cậy."
Ông Quintana nói rằng, có khoảng 2 ngàn 100 tù nhân lương tâm, trong đó có nhân vật được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình, bà Aung San Suu Kyi, là người đã bị giam giữ tại nhà từ nhiều năm nay.
Ông Quintana nói rằng, ông tiếc là yêu cầu đặc biệt của ông để gặp bà Aung San Suu Kyi đã bị bác.
Ông nói: "Dĩ nhiên, tôi nghĩ rằng bà là một tù nhân lương tâm. Bà cũng là Tổng Thư Ký một đảng quan trọng tại nước này, bà giữ một vai trò quan trọng. Vì bà là một tù nhân lương tâm, có nghĩa là bà đã bị một tòa án kết tội, theo đạo luật này, bà sẽ không được phép là thành viên của đảng, một đảng có thể hoặc không tham gia các cuộc bầu cử."
Ông Quintana lập lại lời kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi ngay lập tức.
Điều tra viên của Liên Hiệp Quốc lên án cách đối xử của chính phủ Miến Điện với số dân Hồi giáo trong bang Rakhine ở miền Bắc. Ông cho biết, theo ước tính thì có khoảng 1 triệu người không được hưởng quy chế công dân vì lý do sắc tộc và bị coi là di dân bất hợp pháp.
Ông cho biết, họ bị phân biệt đối xử và không được hưởng những quyền căn bản.
Ông Quintana nói rằng, chính phủ phải chịu trách nhiệm về những vi phạm trong quá khứ. Ông yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra quốc tế để xem xét tới những vụ vi phạm nghiêm trọng, mà ông nói là có thể bao gồm tội ác chống nhân loại.
Đại diện của Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc đã lên án mạnh mẽ và bác bỏ điều mà ông ta gọi là những cáo buộc vô căn cứ. Ông nói rằng, phúc trình của điều tra viên Liên Hiệp Quốc dựa trên các thông tin sai lạc được cung cấp bởi những nguồn tin không đáng tin cậy và không thể kiểm chứng được.
Điều tra viên đặc biệt về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tố cáo chính phủ Miến Điện là vi phạm nhân quyền trắng trợn và có hệ thống. Điều tra viên vừa kể, người vừa mới đệ nạp bản phúc trình của ông cho Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneve, nói rằng, một số các vi phạm này có thể bao gồm tội ác chống nhân loại. Thông tín viên Lisa Schlein tường thuật cho đài VOA.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1