Các lực lượng Ukraine phát động một cuộc phản công gần thành phố Izium do Nga nắm giữ ở miền đông Ukraine, một thống đốc khu vực cho biết ngày thứ Bảy, trong một diễn biến có thể là một trở ngại nghiêm trọng cho kế hoạch của Moscow nhằm đánh chiếm toàn bộ vùng Donbas.
Các lực lượng Nga đã tập trung phần lớn hỏa lực vào Donbas trong "giai đoạn thứ hai" của cuộc xâm lược được công bố vào ngày 19 tháng 4, sau khi họ không tiếp cận được thủ đô Kyiv từ hướng bắc trong những tuần đầu của cuộc chiến.
Nhưng Ukraine đang chiếm lại lãnh thổ ở phía đông bắc của mình, đánh bật quân Nga khỏi thành phố Kharkiv lớn thứ hai của Ukraine. Tiếp tục gây áp lực lên Izium và các tuyến tiếp tế của Nga sẽ khiến Moscow khó bao vây quân Ukraine dày dạn kinh nghiệm chiến trường ở mặt trận phía đông ở Donbas.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cũng nói các cuộc đàm phán phức tạp đang được tiến hành để tìm cách di tản một số lượng lớn binh lính bị thương khỏi nhà máy thép bị vây hãm ở cảng Mariupol để đổi lấy việc trả tự do cho các tù nhân chiến tranh người Nga.
Mariupol, nơi hứng chịu giao tranh ác liệt nhất trong gần ba tháng chiến tranh, giờ đã nằm trong tay Nga nhưng hàng trăm chiến binh Ukraine vẫn đang cầm cự tại nhà máy Azovstal dù bị Nga oanh kích dữ dội suốt nhiều tuần.
Các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin và các tướng lĩnh của ông đã không lường trước được sức kháng cự quyết liệt như vậy của người Ukraine khi họ tiến hành cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng 2.
Ngoài việc mất đi một lượng lớn binh sĩ và nhiều thiết bị quân sự, Nga còn bị áp đặt chế tài kinh tế. Nhóm Bảy nền kinh tế hàng đầu phương Tây cam kết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy sẽ "gia tăng hơn nữa áp lực kinh tế và chính trị đối với Nga" và cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine.
Cuộc xâm lược của Moscow, được phía Nga gọi là một "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm giải giáp Ukraine và bảo vệ nước này khỏi phát xít, đã làm chao đảo an ninh Châu Âu. Kyiv và các đồng minh phương Tây nói tuyên bố về chủ nghĩa phát xít là một cái cớ vô căn cứ để tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược.
Cuộc chiến đã khiến Phần Lan từ bỏ vị thế trung lập quân sự của mình và mong muốn trở thành thành viên của NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương). Thụy Điển được nhiều người kì vọng là sẽ theo bước.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto nói với ông Putin qua điện thoại rằng đất nước của ông, có chung đường biên giới 1.300 km với Nga, muốn gia nhập NATO để tăng cường an ninh của chính mình.
Ông Putin nói với ông Niinisto rằng sẽ là một sai lầm nếu Helsinki từ bỏ vị thế trung lập của mình, Điện Kremlin cho biết, nói thêm rằng hành động này có thể gây tổn hại cho quan hệ song phương.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày thứ Sáu cho biết đất nước của ông, một thành viên NATO, không thể ủng hộ mở rộng liên minh vì Phần Lan và Thụy Điển là "nơi chứa chấp nhiều tổ chức khủng bố."
Bộ trưởng ngoại giao của Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp nhau tại Berlin vào cuối ngày thứ Bảy để cố gắng giải quyết những khác biệt của họ về việc gia nhập NATO.
Phát ngôn viên của ông Erdogan, Ibrahim Kalin, ngày thứ Bảy nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ chưa bác bỏ việc để Thụy Điển và Phần Lan gia nhập nhưng muốn đàm phán với cả hai nước và kiểm soát điều mà họ coi là hoạt động khủng bố ở Châu Âu.
Ông Kalin nói Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) - được Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh Châu Âu định danh là tổ chức khủng bố - đang gây quỹ và tuyển mộ ở Châu Âu và sự hiện diện của họ "mạnh mẽ và công khai" ở Thụy Điển nói riêng.
"Điều cần làm là rõ ràng: họ phải ngừng cho phép các cơ quan, hoạt động, tổ chức, cá nhân và các hình thức hiện diện khác của PKK… tồn tại ở các quốc gia đó," ông Kalin nói.