Các nước phương Tây ngày 20/1 tìm cách đạt sự thống nhất về vấn đề Ukraine, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tỏ ý cho thấy các nước đồng minh chia rẽ về cách phản ứng trước “bất cứ sự xâm chiếm thứ yếu” nào của Nga, khiến lãnh đạo của Kyiv lên tiếng.
“Chúng tôi muốn nhắc nhở các cường quốc là không có nước nhỏ và không có sự xâm chiếm nào là thứ yếu. Cũng giống như không có thiệt hại nào là nhỏ và không có đau buồn nào là nhỏ khi mất mát người thân,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy viết trên Twitter bằng tiếng Anh và tiếng Ukraine, rõ ràng đề cập tới phát biểu của ông Biden.
Nga đã tập trung hàng chục ngàn binh sĩ tại biên giới với Ukraine, và các nước phương Tây lo ngại là Moscow đang có kế hoạch mở cuộc tấn công vào đất nước mà họ đã từng xâm chiếm hồi năm 2014. Nga phủ nhận điều đó nhưng rằng có thể có hành động quân sự nếu danh sách các đòi hỏi của họ không được đáp ứng, trong đó có yêu cầu NATO cam kết không bao giờ thu nạp Kyiv làm thành viên.
Tại cuộc họp báo ngày 19/1, Tổng thống Biden nói ông dự kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có một số hành động, và cũng dường như tỏ ý cho biết Washington và đồng minh có thể bất đồng về cách phản ứng nếu Moscow không xâm chiếm quy mô.
“Nga sẽ chịu trách nhiệm nếu xâm chiếm-và việc này tùy thuộc vào việc làm của Nga,” ông Biden nói. “Vấn đề là, nếu chỉ là một cuộc xâm chiếm thứ yếu rồi chúng ta rốt cuộc phải tranh đấu xem nên làm gì và chớ nên làm gì v.v.,” ông Biden nói và nhấn mạnh sẽ là một “tai họa” đối với Nga nếu Moscow xâm lấn Ukraine.
Không lâu sau cuộc họp báo của ông Biden, Tòa Bạc Ốc rút lại quan điểm rằng một vụ xâm lấn quy mô nhỏ của Nga sẽ gặp sự phản ứng yếu hơn của Mỹ.
“Nết bất cứ lực lượng quân sự nào của Nga vượt qua biên giới Ukraine, thì đây là một vụ tái xâm chiếm, và sẽ được giáng trả nhanh chóng, mạnh mẽ và thống nhất từ Mỹ và các đồng minh của chúng tôi,” phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nói.
Phát biểu của ông Biden khiến các lãnh đạo phương Tây quyết tâm chứng tỏ là họ vẫn đoàn kết để giảm thiểu thiệt hại.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 20/1 đã gặp các Ngoại trưởng Anh, Pháp và Đức tại Berlin.
“Dù Nga chọn con đường nào, họ sẽ thấy Mỹ, Đức và tất cả các đồng minh của chúng ta đoàn kết,” ông tuyên bố tại một cuộc họp báo với Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock.
“Chúng tôi khẩn cấp yêu cầu Nga có hành động xuống thang. Bất cứ thái độ hung hăng nào nữa hay gây hấn nào nữa cũng sẽ có những hậu quả nghiêm trọng,” Ngoại trưởng Đức nói tại cuộc họp báo.
Các đồng minh khác cũng có tuyên bố tương tự.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leye nhấn mạnh một cuộc tấn công mới của Nga sẽ gặp “những chế tài rộng lớn về kinh tế và tài chánh. Cộng đồng xuyên Đại Tây Dương có lập trường vững chắc về việc này.”
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói: “Hãy tin là nếu Nga có bất cứ hành động xâm lấn nào vào Ukraine, trên bất cứ quy mô nào, thì đó sẽ là một tai họa không chỉ cho Ukraine mà còn cho cả Nga nữa.”
Về phần mình, Moscow nói những đe dọa chế tài của Mỹ không làm dịu tình hình.