Chắc chắn sẽ có những xích mích. Những lời nhận định mà Thủ tướng Anh David Cameron đưa ra tuần trước đã châm ngòi cho một vụ tranh chấp ngoại giao chưa thể lắng dịu.
Lên tiếng trong chuyến thăm Ấn Độ, quốc gia đối thủ của Pakistan, Thủ tướng Cameron công khai liên kết Pakistan với khủng bố. Ông nói:
“Chúng ta không thể dung chấp theo bất cứ một nghĩa nào cái ý tưởng cho rằng Pakistan được quyền đi hàng hai và có thể, theo một cách nào đó, thúc đẩy việc xuất khẩu khủng bố tới Ấn Độ hay Afghanistan hoặc bất cứ nơi nào trên thế giới.”
Lời nhận định này được Ấn Độ đón nhận thật tâm đắc, nhưng lập tức gây phẫn nộ và bị đả kích kịch liệt tại Pakistan.
Những người biểu tình tại thành phố Karachi đã đốt hình nộm của ông Cameron, chỉ trích những lời nhận định của ông. Một số còn đòi Tổng thống Zardari hủy bỏ huyến thăm nước Anh, nhưng ông vẫn xúc tiến chuyến đi.
Bộ trưởng Thông tin Pakistan Qamar Zaman Kaira nói rằng những cuộc thảo luận của Tổng thống Zardari tại Anh quốc sẽ giúp làm sáng tỏ vấn đề. Ông nói :
“Tổng thống sẽ mở đối thoại và thảo luận đến nơi đến chốn, và ông sẽ giải thích sự thật cho tân chính phủ tại Anh quốc.”
Ông Kaira bác bỏ những lời tố giác rằng có những phần tử trong các cơ quan tình báo Pakistan yểm trợ cho phe Taliban hoặc các nhóm cực đoan khác.
Một phát ngôn viên cho Thủ tướng Cameron nói rằng Thủ tướng giữ nguyên lời phát biểu.
Những lời tố giác nhắm vào các cơ quan tình báo Pakistan như thế không có gì mới lạ.
Chuyên gia về Paksitan và nam Á tại Trung tâm nghiên cứu Chatham House ở London, bà Farzana Shaikh, cho biết trong quá khứ dã có những lời tố cáo như thế rồi, thậm chí cả những giới chức cao cấp của Hoa Kỳ cũng đã đưa ra những lời tố giác như vậy. Nhưng theo bà, lời bình luận của Thủ tướng Anh đã đánh trúng nhược điểm của Pakistan. Bà nói :
“Điều mà chúng tôi nhận thấy ở đây là Pakistan nhân dịp này đã trút tất cả mọi bực tức vào nước Anh, mà theo tôi, chỉ là mục tiêu thứ nhì mà họ nhắm tới. Cái mục tiêu đích thực mà họ nhắm đến, dĩ nhiên, chính là Hoa Kỳ.”
Bà Shaikh cho hay trong lúc Pakistan không muốn gây trở ngại trong bang giao với Hoa Kỳ, thì nước này vẫn có những bất bình từ nhiều thập niên nay. Bà cho biết tiếp:
“Về phần Pakistan, ngay từ đầu, nước này cảm thấy là họ chỉ được Hoa Kỳ sử dụng như một công cụ để phục vụ cho những quyền lợi chiến lược rộng lớn hơn của nước Mỹ.”
Theo chuyên gia này, đó là việc Pakistan cảm thấy là họ bị Hoa Kỳ sử dụng vào công cuộc chống chủ nghĩa cộng sản và chống Liên Xô trong cuộc chiến tranh Lạnh và giờ đây để chống lại Taliban và phe Hồi giáo cực đoan.
Tổng thống Zardari đã bị chỉ trích vì chuyến đi này, vì lý do chính trị và vì ông đã thực hiện chuyến đi nước ngoài giữa lúc hơn 3 triệu dân Pakistan đang bị ảnh hưởng tai hại của trận lụt nặng nhất tính từ 80 năm nay.
Những người chỉ trích nói rằng lẽ ra ông nên hủy bỏ chuyến đi để ở nhà đối phó với cuộc khủng hoảng do lụt lội gây nên.
Tổng thống Pakistan đến nước Anh giữa lúc đang có tranh chấp ngoại giao về những lời nhận định do Thủ tướng Anh đưa ra, liên kết Pakistan với khủng bố. Chuyến viếng thăm diễn ra giữa lúc có những lo ngại về trận lụt lớn tại Pakistan đã lấy đi mạng sống của ít nhất 1.400 nạn nhân.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1