Việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Úc sẽ giúp Việt Nam có thêm cơ hội phát triển giao thương cũng như có thêm sự ủng hộ mạnh mẽ trên Biển Đông giữa bối cảnh địa chính trị quốc tế có nhiều thay đổi, các nhà quan sát cho biết.
Trong chuyến thăm Việt Nam hôm 22/8, Ngoại trưởng Úc Penny Wong và người tương nhiệm Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã bàn thảo về những công việc cuối cùng để nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện, tờ Tiền Phong đưa tin.
Ý định này đã có từ chuyến công du Úc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hồi cuối năm ngoái và đã được nhắc lại trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Úc Anthony Albanese hồi tháng 6.
Úc hiện là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Với kim ngạch thương mại đạt gần 16 tỷ đô la hồi năm 2022, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Úc và Úc là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam.
Úc cũng là đối tác chủ chốt của Mỹ trong các cấu trúc an ninh khu vực như nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc và nhóm AUKUS bao gồm Mỹ, Úc, Anh.
Đối tác chiến lược toàn diện là khuôn khổ quan hệ ngoại giao cao nhất mà Hà Nội hiện chỉ có với bốn nước là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và mới đây là Hàn Quốc. Việt Nam cũng đang cân nhắc đưa Singapore vào khuôn khổ quan hệ này nhân chuyến thăm đang diễn ra của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Bên cạnh đó, Mỹ được cho là cũng sắp sửa nâng cấp quan hệ với Việt Nam từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Hà Nội sắp tới của Tổng thống Joe Biden.
Môi trường chính trị thay đổi
Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc nhận định rằng Hà Nội và Canberra ‘chắc chắn sẽ đạt được thỏa thuận nâng cấp quan hệ trong năm nay’ và chuyến công du của bà Penny Wong đến Hà Nội là ‘để hoàn tất những bước cuối cùng’.
“Việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Úc là do môi trường địa chính trị thay đổi và sự phân cực của chính trị quốc tế chứ không phải do yếu tố Trung Quốc,” ông nhận định trong bài viết đăng trên trang của ông.
Việt Nam hiện có bốn đối tác chiến lược toàn diện, 13 đối tác chiến lược và 13 đối tác toàn diện. Chính sách đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ ngoại giao cho phép Hà Nội khai thác sự chia rẽ giữa các cường quốc để duy trì quyền tự chủ chiến lược. Nói cách khác, Việt Nam muốn có sự cân bằng năng động trong quan hệ giữa các cường quốc, cũng theo lời Giáo sư Carl Thayer.
Trong tình hình hiện nay, Nga đang bị suy yếu do cuộc chiến ở Ukraine, các lệnh trừng phạt của phương Tây và sự phụ thuộc vào Trung Quốc, còn Trung Quốc đang trở nên mạnh hơn nhờ hiện đại hóa quân sự và ‘quan hệ đối tác không giới hạn’ với Nga trong khi Ấn Độ đã gia nhập nhóm Bộ Tứ do Mỹ lãnh đạo và đang hợp tác quốc phòng sâu rộng hơn với Mỹ và Nhật Bản đã chuyển sang chính sách đối ngoại quyết đoán hơn và gắn bó chặt chẽ hơn với Mỹ, ‘không gian vận động của Việt Nam đang bị thu hẹp lại’, ông cho biết.
Do đó, khả năng Việt Nam tận dụng đòn bẩy trong sự cạnh tranh giữa các cường quốc đã yếu đi. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại cùng với những khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc đang làm giảm các nguồn lực Việt Nam dành cho đối ngoại.
“Trong bối cảnh này, Việt Nam cần mở rộng hợp tác kinh tế với Mỹ và các đồng minh của Mỹ, đối tác để tiếp cận công nghệ mới nhằm thúc đẩy kinh tế,” ông viết.
Thêm hỗ trợ trên Biển Đông
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, chuyên viên thuộc Viện Nghiên cứu đông nam Á ISEAS-Yusof ở Singapore nói với VOA rằng ‘quan hệ đối tác chiến lược Việt-Úc sẽ giúp tăng cường hợp tác quân sự, an ninh giữa hai nước, thúc đẩy đối thoại, trao đổi thông tin về tình hình Biển Đông’.
“Nó góp phần bảo đảm an ninh khu vực, đóng góp cho việc triển khai Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở và phồn thịnh,” ông nói và lưu ý Việt và Úc ‘chia sẻ lợi ích chung về tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương’.
“Úc ủng hộ Việt Nam giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế,” ông Hợp nói thêm.
Về chính trị, việc nâng cấp quan hệ với Úc cho thấy Việt Nam đang tích cực mở rộng quan hệ với các nước phương Tây là đồng minh của Mỹ. Điều này ‘giúp tăng cường vị thế chính trị của Việt Nam ở khu vực’.
Việc nâng cấp quan hệ với Úc cũng mở ra cơ hội mở rộng hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại song phương, cũng theo lời ông Hợp.
Phản ứng của Trung Quốc
Trước việc Việt Nam ngày càng xích lại hơn với Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực, Tung Quốc sẽ phải ‘tái đánh giá các đường hướng quan hệ hiện tại và quyết định điều chỉnh chính sách đối ngoại như thế nào để ngăn chặn tình trạng xói mòn ảnh hưởng của họ trong khu vực để đối phó với Bộ tứ, AUKUS và quan hệ đối tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn’, theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer.
Ông chỉ ra Trung Quốc không có lợi nếu họ đẩy mạnh đe dọa và cưỡng ép các nước nhỏ có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông vì ‘điều đó chỉ tạo cơ hội cho Mỹ can thiệp’. “Tuy nhiên, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục áp chiến thuật vùng xám để đáp trả với các hành động cụ thể thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc,” ông viết.
Đối với Việt Nam, Bắc Kinh đã cảnh báo nước này không được đi vào quỹ đạo của Mỹ. Miễn là Việt Nam tuân theo chính sách ngoại giao ‘bốn không’, Trung Quốc sẽ hành động kiềm chế, ông Carl Thayer cho biết.
‘Bốn không’ bao gồm không tham gia liên minh quân sự, không đứng về nước này chống lại nước kia, không cho phép bất kỳ nước nào khác lập căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để có hành động quân sự chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Diễn đàn