Vào ngày 14 tháng 10 sắp tới, toàn nước Úc sẽ đi bầu để chọn ủng hộ (Yes), hay phản đối (No), cho cuộc trưng cầu dân ý (Referendum) về vai trò của người bản địa Úc chính thức trong hiến pháp. Người bản địa ở đây là dịch từ chữ Aboriginal and Torres Strait Islander, được xem là những sắc dân đầu tiên của đất nước này.
Hơn một triệu người Úc đã bầu sớm, và 1.74 triệu người ghi danh bầu qua đường bưu điện (postal vote). Do nhiều lý do khác nhau mà họ không thể bầu vào ngày 14 tháng 10 tới.
Cuộc thăm dò do YouGov thực hiện vào đầu tháng 10 tiên đoán khoảng 53% sẽ phản đối và 38% ủng hộ, trong khi 9% vẫn chưa xác định lá phiếu của mình sẽ là “Yes” hay “No”. Nghĩa là dù tất cả những người chưa xác quyết lá phiếu của mình có bầu cho Yes, thì bên phản đối No vẫn chiếm phần đa số, và bên ủng hộ Yes sẽ thất bại trong cuộc vận động này.
Cuộc thăm dò sơ khởi cho biết đa số những người ủng hộ Liên đảng (Cấp tiến và Quốc gia) sẽ bầu No, và đa số người ủng hộ đảng Lao động và đảng Xanh sẽ bầu Yes.
Một cuộc thăm dò khác cho ABC News thực hiện cho biết tỷ lệ ủng hộ còn thấp hơn: chỉ 41.2% ủng hộ, 58.8% phản đối. Như thế tỷ lệ ủng hộ còn thấp hơn cả cuộc trưng cầu dân ý năm 1999 để bầu chọn Úc trở thành cộng hòa, 45%.
Đây là cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 45 của Úc. Trong 44 lần qua, chỉ có 8 lần là thành công, còn lại đều thất bại. Nghĩa là tỷ lệ Yes khá thấp. Có lẽ như 44 kỳ trước đây, nó sẽ tốn kém giống như một cuộc bầu cử quốc gia. Ủy hội Bầu cử Úc (Australian Electoral Commission) cho biết cần 100,000 nhân viên để phục vụ cho nguyên tiến trình này trên toàn nước Úc.
Hiện nay nước Úc đang chia rẽ sâu sắc về chủ đề này. Cộng đồng người bản địa cũng bị chia rẽ sâu sắc. Thật ra ý tưởng The Voice xuất phát từ hội nghị do 250 lãnh đạo người bản địa họp mặt nhau năm 2017, đưa ra một tuyên bố có tên Uluru Statement from the Heart, trong đó yêu cầu Tiếng nói Sắc tộc Đầu tiên được vĩnh viễn ghi vào trong hiến pháp Úc. Tuyên bố Ulura có ghi: “Rằng người bản địa đã sở hữu một vùng đất trong sáu mươi thiên niên kỷ và mối liên kết thiêng liêng này đã biến mất khỏi lịch sử thế giới chỉ trong hai trăm năm qua?” Họ cần công lý và sự thật lịch sử.
Nói cách khác, The Voice thật ra là một nỗ lực không ngừng nghỉ để đi tìm công lý và sự thật cho lịch sử từ hơn hai trăm năm qua của người bản địa từ khi bị nước Anh đô hộ.
Trưng cầu dân ý kỳ này là để người dân Úc chọn Yes hay No. Yes có nghĩa là hiến pháp Úc sẽ được tu chính để có thêm đoạn mới, Section 129, ghi nhận người bản địa là dân tộc có mặt đầu tiên tại Úc. Trong bản hiến pháp mới này có ghi rằng:
i. Sẽ có một bộ phận có tên The Voice;
ii. The Voice có thể đại diện các vấn đề liên quan đến người bản địa với Quốc hội và Chính quyền Úc;
iii. Quốc hội, qua Hiến pháp mới, sẽ làm luật đối với những vấn đề liên quan đến The Voice, kể cả thành phần cấu thành, chức năng, quyền hạn và thủ tục của nó.
Những người ủng hộ Yes thì biện luận rằng chỉ khi nào được ghi rõ trong hiến pháp thì tiếng nói và lợi ích của The Voice, và sự thay đổi và cải thiện thực tế, mới được bảo đảm. Còn giải pháp hiệp ước (Treaty) giữa chính quyền và đại diện người bản địa mang tính tạm thời, và không bảo đảm.
Trong khi đó, bên No thì biện luận thay đổi có thể gây rủi ro cho hệ thống chính phủ của Úc, có khả năng dẫn đến những thách thức, sự chậm trễ và rối loạn chức năng về mặt pháp lý. Bên No cũng biện luận rằng The Voice sẽ không giúp ích cho người bản địa hoặc giúp thu hẹp khoảng cách họ đang có với đa số người Úc còn lại v.v…
Bên ủng hộ Yes, kể cả từ Thủ tướng Anthony Albanese, và bên chống No, kể cả Thủ lãnh đối lập Peter Dutton, đã đưa ra nhiều tuyên bố, nhận định cần kiểm chứng. RMIT và ABC đã thực hiện nghiên cứu để xét nghiệm những vấn đề này, và phổ biến kết quả. Chẳng hạn, Anthony Albanese cho rằng các cuộc khảo sát cho thấy khoảng 80 đến 90 phần trăm người bản địa Úc ủng hộ The Voice, nhưng giới chuyên gia nhận định rằng tuy dựa vào hai cuộc khảo sát để nói vậy, tỷ lệ ủng hộ của người bản địa cho cuộc trưng cầu dân ý kỳ này không cao như thế. Trên thực tế cuộc khảo sát không mang tính đại diện, và rất khó để có được mẫu đại diện của họ.
Một điều cần ghi nhận ở đây là thông tin thất thiệt (misinformation and disinformation) cũng lan tràn trong lần trưng cầu dân ý này. Chẳng hạn, trong một họp báo tại Adelaide vào cuối tháng 9, Thủ tướng Albanese nói: “Điều đã xảy ra trong chiến dịch này là rất nhiều thông tin được đưa ra, kể cả bởi một số người biết rằng điều đó không đúng sự thật… Tôi đã thấy những điều nói rằng tất cả quyền sở hữu tư nhân sẽ biến mất, rằng đó là về việc Liên Hợp Quốc nắm quyền kiểm soát Úc.” Một tuần sau, video tái xuất hiện nhưng nó đã được chỉnh sửa, còn lại là “Liên Hợp Quốc nắm quyền kiểm soát tất cả đất đai tại Úc.”
Cho nên để quyết định đúng đắn, chúng ta đều tìm hiểu kỹ lưỡng và cần thông tin đầy đủ.
Khi cuộc sống của những con người thuộc những bộ tộc gắn liền với mảnh đất, thiên nhiên một cách sâu sắc, cả ngàn hay vài chục ngàn năm, thì việc lấy họ ra khỏi nơi đó và chia cách gia đình cộng đồng họ không thể được giải quyết bằng bồi thường hay lời xin lỗi. Nó cần hơn thế nữa và cần nhiều thời gian. Nhưng ngay cả thế cũng sẽ không giải quyết tận gốc vấn đề. Đất đã có người ở và những lỗi lầm không thể đảo ngược. Cho nên The Voice là bước cần thiết để ghi nhận vai trò và chức năng của người bản địa trong hiến pháp Úc. Nó sẽ không là giải pháp sau cùng. Nhưng mọi sự cần bắt đầu từ ý tưởng, ý định (intention), để đưa ra chính sách và hành động đúng đắn. Thời gian mới trả lời được kết quả ra sao. Không có điều gì là chắc chắn cả. Tuy nhiên, ghi nhận chính thức chủ nhân lâu đời và đầu tiên của mảnh đất này là quan trọng. Sau đó hình thành cơ cấu đại diện tiếng nói trong quốc hội và từ đó làm luật và có những hành động cụ thể để bảo vệ First Nations là một bước tiến cần thiết khác.
The Guardian vào ngày 6 tháng 10 cho biết hơn 350 sử gia từ các trường đại học, thư viện và viện bảo toàn trên toàn Úc đã ra thư ngỏ chung, ghi nhận rằng người bản địa “đã phải chịu đựng những bất công lịch sử do việc thuộc địa hóa và tước đoạt đất đai của họ, cũng như việc bóc lột sức lao động và tài nguyên của họ theo cách khiến họ không thể tham gia đầy đủ và bình đẳng vào xã hội.” Lá thư kêu gọi: “Mỗi chúng tôi đều tin rằng những bất công đó đảm bảo sự công nhận của Hiến pháp và tôn vinh Tiếng nói. Mỗi chúng tôi tin rằng sự thành công của cuộc trưng cầu dân ý sẽ là một tuyên bố mạnh mẽ về sự hòa giải và đoàn kết mà sẽ vang dội khắp vùng đất này và hơn thế nữa… Mỗi chúng tôi kêu gọi đồng bào Úc của mình hãy đứng về phía bên phải của lịch sử.”
Nhưng cuộc trưng cầu dân ý kỳ này có lẽ sẽ không đứng về phía bên phải của lịch sử.
Diễn đàn