Theo các cuộc thăm dò dư luận và ý kiến của các chuyên gia chính trị, đảng Cộng hòa đang ở thế thượng phong trong những ngày cuối cùng của chiến dịch vận động tranh cử bầu Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ.
Hầu hết người Mỹ đều nói rằng kinh tế trong nước là vấn đề số một trong năm nay và cái nhìn buồn thảm của công chúng về tình hình kinh tế sẽ làm tổn hại cho đảng Dân chủ và giúp đảng Cộng hòa trong ngày bầu cử 2 tháng 11.
Trong số những người vận động cho các ứng cử viên Cộng hòa có Dân biểu John Boehner bang Ohio, người sẽ trở thành chủ tịch Hạ viện nếu đảng Cộng hòa chiếm được đa số vào tuần tới:
“Nếu bạn thấy nản lòng về tỉ lệ thất nghiệp cao, nếu bạn chán ngấy về những vụ sáp nhập hay cứu nguy các công ty thì cuộc bầu cử này sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề.”
Những cuộc thăm dò cho thấy đảng Cộng hòa có được lợi thế về sự nhiệt thành của các cử tri, dù có những dấu hiệu cho thấy những cử tri ủng hộ đảng Dân chủ có thể bừng tỉnh trong những ngày cuối của chiến dịch tranh cử.
Sức mạnh của đảng Cộng hòa được thúc đẩy một phần bởi phong trào Tea Party, một liên minh lỏng lẻo giữa các phần tử bảo thủ và hơi cấp tiến. Liên minh này đòi cắt giảm chi tiêu, thuế khóa và muốn chính phủ liên bang đóng một vai trò nhỏ hơn.
Trong những ngày gần đây, có dấu hiệu cho thấy một vài cuộc chạy đua vào Thượng viện có thể rất khít khao, tăng thêm hy vọng cho những đảng viên Dân chủ đang e ngại quyền kiểm soát hai viện sẽ vào tay đảng Cộng hòa.
Đảng Cộng hòa cần thắng thêm 39 ghế để chiếm trở lại quyền kiểm soát Hạ viện và cần thắng thêm 10 ghế để trở thành phe đa số tại Thượng viện.
Richard Wolffe, nhà phân tích chính trị của đài truyền hình MSNBC, nói trong chương trình thảo luận chính trị trên đài VOA:
“Đây là một cuộc bầu cử rất ngang ngửa, bất kể các dự đoán có như thế nào. Nếu có theo dõi các cuộc thăm dò ở nơi này và từ tiểu bang này tới tiểu bang khác, từ quận hạt này tới quận hạt khác, ta đều thấy hầu hết các cuộc bầu cử quan trọng đều có một sai số rất ít.”
Các đảng viên Dân chủ đều ý thức rõ rằng kết quả của họ sẽ kém nếu các cử tri chỉ coi cuộc bầu cử này như một cuộc trưng cầu dân ý về đảng đương quyền, trong bối cảnh nền kinh tế yếu kém trên toàn quốc hiện nay.
Vì thế khi đi vận động cho các ứng cử viên Dân chủ trên khắp nước, Tổng thống Barack Obama kêu gọi cử tri coi cuộc bầu cử này như một cuộc chọn lựa giữa thoái bộ và tiến bộ. Ông nói với cử tọa:
“Toàn bộ chiến lược vận động của phe Cộng hòa được dựa trên tính hay quên của người Mỹ. Vì thế các bạn cần phải nhớ rằng cuộc bầu cử này là sự chọn lựa giữa những chính sách đã đẩy chúng ta vào cảnh ngộ khó khăn này và những chính sách sẽ dẫn chúng ta ra khỏi tình trạng đó.”
Mặc dầu các cuộc thăm dò trong những ngày gần đây cho thấy tại một số tiểu bang quan trọng, cuộc chạy đua vào Thượng viện rất ngang ngửa, nhưng nói chung, tình hình có vẻ thuận lợi cho đảng Cộng hòa so với đảng Dân chủ.
Karlyn Bowman, chuyên viên của Viện nghiên cứu American Enterprise Institute ở thủ đô Washington có nhận xét:
“Tất cả các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy công chúng vẫn còn hết sức bất mãn đối với Tổng thống Obama, đối với quốc hội, đối với các đảng, và đối với với những gì đang xảy ra trong nước hiện nay.”
Các tổ chức theo dõi tranh cử nói rằng, đây có thể là một cuộc bầu cử giữa kỳ tốn kém nhất tại Hoa Kỳ từ xưa tới nay, họ ước tính rằng có thể từ nay tới cuối cuộc vận động tranh cử vào tuần tới sẽ chi tiêu hết hơn hai tỉ đô la.
Sở dĩ có chuyện đó một phần là vì hồi đầu năm nay, Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ ra phán quyết thay đổi đạo luật về tài trợ cho các cuộc vận động tranh cử để cho phép các công ty và các công đoàn chi tiêu vô giới hạn cho các quảng cáo truyền hình, kêu gọi nên bầu hay đừng bầu cho một ứng cử viên cụ thể nào đó.
Cuộc chiến giành quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ bước vào tuần lễ chót, và trong những giờ phút cuối cùng cả hai đảng đều tích cực thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho đảng mình.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1