Thính giả Ngô Chí Trung ở Việt Nam hỏi:
“Kính thưa Bác sĩ,
Tôi tên là Ngô Chí Trung, cư ngụ tại Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, tôi trình bày trường hợp bệnh của tôi ra đây để xin Bác sĩ giải đáp cho một số thắc mắc như sau:
- Tháng 4.2018, thấy nước tiểu đục ngầu, tôi đến bệnh viện khám ở khoa tiết niệu, bác sĩ cho đi làm xét nghiệm nước tiểu và siêu âm vùng bụng. Kết quả không có gì khác thường (xin đính kèm 2 bản copy 01a và 01b). Bác sĩ cho thuốc uống về đường tiểu, còn phần kết luận ghi "nghĩ u máu gan"của bác sĩ siêu âm thì khoa Tiết niệu chuyển tiếp qua Ung bướu . Bác sĩ bên ung bướu cho hay cục máu ở gan cũng bình thường không có gì nguy hiểm, không uống thuốc, chỉ theo dõi nếu thấy cục máu lớn thì sẽ can thiệp.
- Tháng 5.2018 đi đại tiện thấy phân có màu đen tôi lại đến bệnh viện khám tiếp, bác sĩ cho nội soi bao tử, siêu âm vùng bụng đồng thời cho xét nghiệm máu để xem tình hình gan ra sao. Kết quả thì cũng bình thường (xin đính kèm bản copy 02a 02b 02c 02d ). Bác sĩ cho thuốc uống điều trị phân màu đen,còn cục máu ở gan thì tiếp tục theo dõi.
- Tháng 8.2018 tôi đến khám ở khoa Tiêu hóa Huyết học, bác sĩ tiếp tục cho tôi làm xét nghiệm máu và siêu âm vùng bụng ( theo dõi cục máu ở gan ).Xem kết quả, bác sĩ nói chỉ theo dõi chứ không có thuốc gì hết (xin đính kèm bản copy 03a 03b 03c).
Nay xin Bác sĩ nói rõ:
1- Cục máu ở gan là gì, có cách nào (thuốc nam hay tập thể dục ) làm cho nó nhỏ lại. Nhìn vào mục nào ở kết quả xét nghiệm và siêu âm để biết cục máu ở gan lớn ra sao.., lớn cỡ nào thì phải can thiệp?
2- Nốt vôi d# 17mm (siêu âm tháng 5.2018) và d# 9mm (siêu âm tháng 8.2018) ở tiền liệt tuyến có nguy hiểm gì không? Có phải vì nốt vôi này mà trước đây đi xe đò tôi không nhịn tiểu lâu được.
3- Qua bảng kết quả xét nghiệm huyết học thì tôi cần bổ sung thứ gì cho cơ thể (bác sĩ ở đây khuyên tôi ăn uống tẩm bổ )
Xin Bác sĩ giải thích cho tôi được rõ những điều kể trên.
Xin chân thành cám ơn Bác sĩ.
Trân trọng kính chào."
Bác sĩ Hồ Văn Hiền:
1) Càng ngày người ta càng dùng siêu âm để phát hiện các thay đổi trong gan do bịnh gây ra. Một trong những hiện tượng được phát hiện thường nhất là u mạch máu trong gan. (Trong từ tiếng Anh: hemangioma, hemo =máu, angio=mạch máu và oma=u bướu.) Đối với một người trung bình, không bị triệu chứng gì rõ rệt, trong 1000 người có thể từ 4 đến 200 người có u bướu loại này, là loại u gan hiền thường gặp nhất (0.4-20%). Con số tỷ lệ xảy ra tuỳ theo phương pháp phát hiện (cao nếu là giải phẫu tử thi). Nói chung, phần đông nghiên cứu cho là trên 7%.
Hemangioma là những khoảng trống trong mô gan chứa đầy máu, lót bởi các tế bào nội mô mạch máu(endothelial cells). Các u mao quản (capillary hemangioma) gồm những mạch nhỏ li ti (mao mạch, capillaries), xuất phát từ động mạch nuôi gan (hepatic artery), cuộn lại với nhau thành một lớp rối bù như một cuộn chỉ, to chừng vài mmm cho đến 3cm, không có khuynh hướng to thêm và thường không gây triệu chứng. Các u mạch thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới (3/1), có thể hiện diện đơn độc, nhưng có thể nhiều u cùng một lúc. U mạch máu nhỏ (mm-3cm) và trung bình (3-10 cm) thường không cần can thiệp để chữa trị. Các u mạch lớn hơn (khổng lồ, 10-20cm hoặc có khito hơn, đến 40cm trong một số công bố; giant hemangioma, cavernous hemangioma)) có thể gây ra triệu chứng đáng kể nên cần phải can thiệp.
Triệu chứng (hiếm): có thể cảm giác nặng bụng, ê bên bụng phải, ăn mau thấy đầy bụng, no nhanh, đầy hơi; bác sĩ sờ có thể phát hiện gan lớn.
Biến chứng (hiếm) viêm gây đau , sốt; u đè qua các bộ phận khác (nghẽn ống mật, vàng da); rối loạn đông máu trong một số hội chứng, vd, Kasabach-Merritt syndrome (giant hepatic hemangioma, thrombocytopenia, intravascular coagulation); Osler-Rendu-Weber disease, di truyền, với u mạch trên mặt, miệng và đồng thời trên nhiều bộ phận khác (hereditary telangiectasia: multiple smaller HA on face, tongue, jugal mucosa, gastrointestinal tract, liver). Thuốc dùng lâu dài với mục đích khác như corticoid (steroid), hormone nữ estrogen với mục đích ngừa thai có thể làm u mạch máu lớn nhanh hơn; ngưng thuốc ngừa thai có thể làm u nhỏ lại.
2) Vết vôi/sạn trong tuyến tiền liệt (prostate calcifications, prostate stones, prostatic calculi):
Tuyến tiền liệt (prostate, TTL) nằm bao quanh niệu đạo (urethra), lúc nước tiểu từ bàng quang (bladder) thoát ra ngoài qua ngã niệu đạo. Tuyến tiền liệt bình thường thể tích chừng 15-30 ml, cỡ bằng trái banh chơi golf. Ở người 50 tuổi trở lên,thể tích trung bình tăng lên từ 24ml lúc 50 tuổi cho đến 38 ml lúc 80 tuổi và PSA từ 1,1 lên đến 2,5 ng/ml và không ảnh hưởng nhiều đến các triệu chứng tiểu tiện (Berges, Germany).
Sạn TTL được chẩn đoán bằng siêu âm xuyên qua trực tràng (Transrectal Ultrasonography/TRUS) hay CT. Thường gặp ở người đàn ông trung niên. 7- 70% đàn ông có đóng vôi tuyến tiền liệt (prostatic calcifications). Có thể một hạt (hay viên) nhưng con số có thể lên hàng trăm. Nguồn gốc có thể do ống dẫn chất tiết TTL bị nghẽn, chất tiết của TTL đọng khô lại và hoá vôi (endogenous, primary prostatic calculi) thường nhiều hạt, nhỏ, 0,5mm - 4mm. Hay sạn TTL cũng có thể thành hình từ chất trong nước tiểu chạy ngược vào TTL và bị hoá vôi (exogenous , secondary calculi), thường số ít hơn và kích thước to hơn. Sự hiện diện của sạn làm TTL viêm và dễ bị nhiễm trùng hơn. Thường những viên sạn nhỏ cỡ bằng hạt ổi (1-4mm) này không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, sạn lớn hơn có thể làm đau trong vùng đáy quần (perineum) hay vùng bụng dưới. Những người bị chứng đau vùng xương chậu mãn tính (chronic pelvic pain), nếu có kèm theo sạn vôi tiền liệt thường bị viêm nặng hơn (nhiều bạch cầu trong dịch TTL), triệu chứng kéo dài lâu hơn (ví dụ thay vì 2 năm, đau kéo dài cả 7 năm), và khả năng vi khuẩn nhiễm tuyến tiền liệt cao hơn. Có nghĩa bác sĩ có thể thiên về dùng kháng sinh (kéo dài 8-10 tuần) và các thuốc giảm viêm lúc điều trị chứng đau vùng xương chậu mãn tính ở đàn ông thay vì thiên về việc dùng vật lý trị liệu cho vùng sàn chậu (pelvic physiotherapy).
Sạn tuyến tiền liệt có thể liên hệ đến TTL phì đại hay ung thư tiền liệt. Tuy nhiên theo kiến thức hiện nay, sạn tiền liệt không phải là nguyên nhân gây ung thư bộ phận này.
Triệu chứng sạn TTL có thể giống hoặc trùng hợp với bịnh viêm phần dưới của đường tiểu (bọng đái, tuyến tiền liệt liệt, niệu đạo, gây tiểu gắt, tiểu khó, khó nín tiểu; lower urinary symptoms).
Người bệnh TTL có thể chọn những thức ăn hợp với sức khoẻ hơn như tránh đường, chất ngọt, tránh đồ mỡ như thịt heo, bò, bơ; ăn nhiều trái cây, rau cải tươi, các hạt (nuts), các trái cây , rau thường màu cam hay đỏ có chứa nhiều chất kháng oxy hoá (antioxidant) là lycopene, như ổi, cà chua, đu đủ, dưa hấu, bắp cải đỏ (red cabbage), xoài, cà rốt, bưởi.
Những trường hợp sạn tuyến TL nặng, phải can thiệp để phẫu thuật. Nếu sạn nằm sát với niệu đạo (urethra), làm trở ngại dòng nước tiểu, lấy sạn ra qua đường niệu đạo (đường chảy ra của nước tiểu)( transurethral electroresection loop or holmium laser). Hay, nếu cần, cắt bỏ tuyến tiền liệt qua ngã niệu đạo (transurethral prostatectomy, transurethral resection of the prostate, TURP) hoặc qua ngã đường bụng.
3) Về việc có máu trong phân, nên bàn với bác sĩ có nên soi ruột già để tìm nguyên nhân chảy máu ở đâu, quan trọng nhất là truy tầm ung thư ruột già. vấn đề này đặc biệt quan trọng cho người trên 50 tuổi, người có trường hợp ung thư ruột già trong gia đình (cha mẹ anh em), người hút thuốc lá (thuốc lá tăng cơ nguy ung thư ruột già).
4) Về kết quả máu của ông, không có dấu hiệu cơ thể thiếu chất gì đặc thù cần bổ túc. Cần hỏi bác sĩ của ông để có câu trả lời thích hợp cho hoàn cảnh của ông. Xin tham khảo trong bài trước đây của tôi trả lời về các chất phụ trội dinh dưỡng. Một số người tuổi của vị thính giả dùng thuốc "tổng hợp" như Centrum Silver Men 50+ ("Silver"=bạc; chỉ người cao tuổi) mỗi ngày 1 viên; hay: One-A-Day Proactive 65+ mỗi ngày 1-2 viên. Nói chung vận động thường xuyên, uống nước đầy đủ, ăn các thức ăn tươi, nhiều rau cải, ít mỡ động vật là tốt cho người già.
Chúc bịnh nhân may mắn.
Ngày 18 tháng 9 năm 2018
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Hepatic hemangioma -review-https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4564031/
Clinical Significance of Prostatic Calculi: A Review
World J Mens Health. 2018 Jan; 36(1): 15–21.
Published online 2017 Sep 25. doi: 10.5534/wjmh.17018
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5756803/
Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.