Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 2/12 đã ký đạo luật quy định về các cá nhân bị dán mác “đặc vụ nước ngoài”, làm dấy lên những chỉ trích từ phía các tổ chức nhân quyền cho rằng hành động này sẽ hạn chế hơn nữa quyền tự do thông tin ở Nga, theo Reuters.
Đạo luật về đặc vụ nước ngoài ban đầu được Nga thông qua vào năm 2012, trao quyền cho nhà chức trách dán nhãn các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức nhân quyền là “đặc vụ nước ngoài” - một thuật ngữ mang ý nghĩa tiêu cực từ thời Liên Xô cũ.
Tuy nhiên, việc mở rộng định nghĩa về đặc vụ nước ngoài, bao gồm các cá thể tư nhân hiện đang làm dấy lên mối lo ngại mới về khả năng hoạt động của các nhà báo và blogger độc lập ở trong nước.
Một số nhóm nhân quyền, bao gồm Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, đã kêu gọi bỏ sáng kiến này khi nó đang được các nhà lập pháp thông qua.
Theo luật mới này, tất cả các tài liệu được xuất bản bởi một cá nhân nhận tiền từ nước ngoài sẽ được dán nhãn là “được phân phối bởi một đặc vụ nước ngoài”.
Luật cũng quy định rằng bất kỳ cá nhân nào phân phối nội dung truyền thông nước ngoài đều có thể bị dán nhãn là một đặc vụ nước ngoài.
Các nhóm nhân quyền và các tổ chức khác bị Bộ Tư pháp Nga chỉ định là đặc vụ nước ngoài có thể bị kiểm tra tại chỗ và đối mặt với sự giám sát chặt chẽ.
Luật Nga cũng yêu cầu những người được gọi là đặc vụ nước ngoài phải nộp báo cáo thường xuyên về số tiền được tài trợ, mục tiêu của họ, cách chi tiêu tiền và người quản lý là ai.