Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 25/7 đối mặt với làn sóng chỉ trích mới từ các lãnh đạo đối lập sau lời tuyên bố có vẻ như là thách thức đối thủ và đả kích truyền thông xung quanh vụ tai tiếng của người vệ sĩ thân cận của ông.
Xuất hiện tại một cuộc họp kín với các nghị sĩ và bộ trưởng trong đảng cầm quyền mang tên Đảng Cộng hòa Tiến bước (LREM) hôm 24/7, ông Macron nói chỉ mình ông chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra.
“Nếu họ muốn quy trách nhiệm cho ai đó thì người đó đang đứng trước mặt quý vị, họ cứ đến mà bắt giữ,” ông phát biểu tại một sự kiện đánh dấu kết thúc phiên họp của Quốc hội. Đoạn băng về bài phát biểu của ông đã bị rò rỉ ra ngoài.
Những người chỉ trích cho rằng Điện Élysée đã không trừng trị đích đáng Alexandre Benalla, người đứng đầu bộ phận an ninh của Phủ Tổng thống Pháp, cũng như đã không đưa ông này ra trước các cơ quan tư pháp phán xử về vụ việc đã trở thành khủng hoảng chính trị lớn nhất cho tới nay trong nhiệm kỳ của ông Macron.
Đoạn băng lan truyền trên mạng cho thấy ông Benalla, trên người có đội mũ bảo hiểm chống bạo động và đeo băng cảnh sát, đã đánh đập tàn bạo một người đàn ông biểu tình và kéo lê một phụ nữ khác trong một cuộc biểu tình vào ngày Quốc tế Lao động 1/5 tại Paris. Lúc đó, ông Benalla được xác định là không có phận sự tại khu vực diễn ra biểu tình.
Ông Benalla đã bị Điện Élysée sa thải hôm 20/7 sau khi bị đình chỉ công tác trong hai tuần.
Các lãnh đạo đối lập ngay lập tức đã bác bỏ lời phát biểu này của ông Macron.
“Đó là cách nói chỉ tay vào mặt người ta, những gì ông ấy nói vào tối qua, chỉ tay vào mặt phe đối lập, các nhà báo và thậm chí cả người dân Pháp khi ông ấy nói ‘Họ cứ đến bắt tôi đi’,” ông Bruno Retailleau, lãnh đạo phe bảo thủ tại Thượng viện, phát biểu trên đài France 2.
Nghị sĩ cực tả Alexis Corbiere cáo buộc ông Macron đang dọa nạt phe đối lập. Đảng LREM của ông Macron, hiện đang nắm thế đa số tại Quốc hội, là phong trào chính trị mới không theo lập trường tả cũng như hữu truyền thống.
Ông Macron cũng đả kích truyền thông là ‘không còn theo đuổi sự thật’. “Những gì tôi chứng kiến là sức mạnh của truyền thông vốn muốn trở thành cơ quan phán xử.”
Vụ khủng hoảng đã bắt đầu khi tờ Le Monde nhận dạng người đàn ông đánh đập người biểu tình trong đoạn băng bị phát tán là Benalla.
Người đứng đầu Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở Pháp Benedicte Jeannerot viết trên Twitter rằng những lời phát biểu của ông Macron nhằm vào báo chí là ‘những lập luận nguy hiểm trong bối cảnh các nhà báo trên toàn thế giới đang bị các nhà lãnh đạo dân túy và chuyên chế đe dọa với mục đích làm mất uy tín hay bóp nghẹt những lời chỉ trích.”
Những người chỉ trích cho rằng giọng điệu của ông Macron với báo chí giống như giọng điệu của Tổng thống Mỹ Donald Trump bài xích những cơ quan truyền thông lên án ông.
Ông Macron đã tỏ thái độ không khoan nhượng khi được yêu cầu bình luận trong một chuyến thăm đến miền nam Pháp hôm 25/7. “Tôi đã đến đây được một giờ rồi mà không có ai nói về việc đó cả,” ông nói với kênh BFM. “Rõ ràng, sự nóng bức và mệt mỏi đang tập trung vào cư dân Paris bởi vì mọi thứ ở đây đều bình thường.”