Đường dẫn truy cập

Tỷ lệ sinh giảm, dân số Việt Nam sẽ chỉ còn 46 triệu vào năm 2200?


Người dân Hà Nội xếp hàng vào viếng cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dân số VIệt Nam hiện có quy mô 100 triệu người. (Hình ảnh chỉ mang tính minh họa)
Người dân Hà Nội xếp hàng vào viếng cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dân số VIệt Nam hiện có quy mô 100 triệu người. (Hình ảnh chỉ mang tính minh họa)

Việt Nam đang đối mặt viễn cảnh dân số cả nước chỉ còn 46 triệu dân, tức là giảm hơn một nửa, vào năm 2200, nếu duy trì tỷ lệ sinh thấp như hiện nay, một cựu quan chức cảnh báo trong lúc chính quyền đang tìm cách khuyến khích sinh sản.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, người từng là Ủy viên Bộ Chính trị và chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã đưa ra cảnh báo này tại hội thảo “Khuyến sinh bằng chính sách thiết thực, nhân văn” hôm 15/10 tại thành phố Hồ Chí Minh, theo Thanh niên.

Ông được tờ báo trích lời lưu ý rằng chính quyền Việt Nam cần có sự thay đổi đột phá về chính sách kinh tế, xã hội cũng như dân số, nếu không thì tỷ suất sinh ở Việt “sẽ tiếp tục giảm sâu dưới 2,1 và duy trì lâu dài”.

Ông Nhân chỉ ra bài học suy giảm dân số ở Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như đề xuất thay đổi triết lý quản trị đất nước theo hướng “cần lấy hạnh phúc của nhân dân và dân tộc trường tồn làm mục tiêu cao nhất” thay vì chỉ chạy theo tăng trưởng GDP đơn thuần, theo Thanh Niên.

Số liệu của Tổng cục Thống kê được VietNamNet trích dẫn cho thấy dân số của Việt Nam trong năm 2023 là trên 100,3 triệu người, tăng gần 835.000 người – tương đương với 0,84% – so với năm 2022.

Cũng theo cơ quan này, Việt Nam đã duy trì mức sinh thay thế trong suốt 15 năm kể từ năm 2006 cho đến 2021. Nhưng đến năm 2022, mức sinh của Việt Nam đã giảm xuống còn 2,01 con/cặp vợ chồng, tức là thấp hơn mức sinh thay thế là 2,09 con/cặp vợ chồng, và giảm tiếp còn 1,96 vào năm 2023.

Theo VietNamNet, Bộ Y tế dự báo mức sinh sẽ tiếp tục giảm trong các năm tới.

Cũng tại hội thảo hôm 15/10, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa Gia đình thuộc Sở Y tế TPHCM, được Thanh Niên dẫn lời cho biết nguyên nhân giới trẻ hiện nay không mặn mà với việc sinh con là do áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí nuôi dạy, hay chăm sóc con cái, trong số nhiều vấn đề khác.

Từ đó, ông Trung đề xuất cần có sự hỗ trợ cho các cặp vợ chồng nuôi con đến 18 tuổi như hỗ trợ học phí, hỗ trợ chế độ hưởng lương cho các cặp vợ chồng có con nhỏ chưa gửi trẻ, hay đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ trong công việc, cũng theo Thanh niên.

Hồi cuối năm ngoái, ông Mai Trung Sơn, phó Vụ trưởng Quy mô dân số-Kế hoạch hóa Gia đình thuộc Cục Dân số Việt Nam, đã dẫn số liệu của Liên Hiệp Quốc để cảnh báo rằng nếu Việt Nam không hành động để cải thiện mức sinh thì đến năm 2500 dân số Việt Nam chỉ còn 3,6 triệu người, theo VnExpress.

Hiện tại, theo ghi nhận của Thanh Niên, chính phủ trung ương cũng như chính quyền một số địa phương ở Việt Nam đã thực hiện một số chính sách khuyến sinh như hỗ trợ tiền mặt cho những phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi, hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, hay hỗ trợ chi phí giáo dục cho con nhỏ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG