Đường dẫn truy cập

Tuyến đường sắt TQ-Hồng Kông: phép thử cho bà Carrie Lam


Bà Carrie Lam, Trưởng đặc khu hành chánh tân cử của Hồng Kông.
Bà Carrie Lam, Trưởng đặc khu hành chánh tân cử của Hồng Kông.

Một thách thức lớn đối với trưởng đặc khu hành chánh tân cử của Hồng Kông, bà Carrie Lam, là tuyến đường sắt cao tốc gây nhiều tranh cãi trị giá 11 tỷ đô la nối liền phố cảng Hồng Kông với Trung Quốc. Các nhà phê bình mô tả dự án này là một quả bom chính trị nổ chậm, họ cảnh báo về những thách thức tài chính đi kèm với dự án này. Hơn nữa, Bắc Kinh còn có kế hoạch bố trí cảnh sát Trung Quốc tại nhà ga và đó chính là phép thử đầu tiên của bà Carrie Lam về liệu bà có thể cân bằng giữa các lợi ích của Trung Quốc với các lợi ích của cư dân Hồng Kông hay không. Thông tín viên Joyce Huang của VOA có thêm chi tiết sau đây:

Một video quảng cáo đầy kịch tính của tập đoàn MTR Corp., Hồng Kông, vẽ nên một bức tranh bóng bẩy và hiện đại về tuyến đường sắt cao tốc và trạm ga cuối West Kowloon, mà theo dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm tới.

Các toa tàu cao tốc hiện đại chạy trong các đường hầm dưới mặt nước sẽ giúp vận chuyển khoảng ba triệu hành khách từ Hong Kong tới Quảng Châu mỗi tháng. Mỗi chuyến tàu mất không tới một tiếng đồng hồ.

Đối với Bắc Kinh, dự án này nêu bật viễn kiến của họ, giúp việc vận chuyển lữ khách đến Trung Quốc hiệu quả hơn, đồng thời củng cố hơn nữa tiến trình hội nhập với phố cảng Hồng Kông.

Nhưng đối với một số cư dân Hồng Kông, dự án nối liền thành phố của họ với Trung Quốc sẽ là một cơn ác mộng.

Bà Carol Chow, làm nội trợ nói:

"Tuyến đường sắt cao tốc sẽ giúp cho nhiều người Trung Quốc đến Hồng Kông dễ dàng hơn, chúng tôi không thích điều đó."

Bà Chow và nhiều người khác cũng lo lắng về tác động của dự án đối với giá cả bất động sản và hàng hóa vốn đã rất đắt đỏ tại Hong Kong.

Sự bất bình đối với du khách từ Trung Quốc đã sôi sục trong nhiều năm. Với tuyến đường sắt cao tốc, những sự bức xúc đó có thể sẽ làm cho căng thẳng càng tăng cao hơn.

Tin cho hay là chính quyền Hong Kong đã đồng ý để cho cảnh sát Trung Quốc giám sát bên trong trạm ga chót, đặt ra nghi vấn về luật của nơi nào sẽ được thi hành? Theo mô hình "một quốc gia, hai thể chế", Hồng Kông lẽ ra được quyền duy trì quyền tự quyết về mặt pháp lý, nhưng điều này ngày càng trở nên khó khăn hơn trong những năm gần đây.

Thành phần cư dân trẻ tuổi hơn coi dự án đường sắt này là thêm một nỗ lực khác nữa để Trung Quốc kiểm soát Hong Kong, với vỏ bọc là tạo ra những cơ sở hạ tầng thân thiện hơn cho môi trường kinh doanh.

Một nam sinh viên tên Lee nói:

"Thời gian cứ trôi qua, nếu Trung Quốc tiếp tục đề ra thêm những chính sách nhằm kiểm soát các quyền tự do, thì theo tôi tình hình ngày càng khó có thể chấp nhận."

Các cuộc thảo luận về việc sắp đặt các kiểm soát tuyến đường sắt cao tốc gần đây đã được tổ chức giữa các nhà chức trách Hồng Kông và Trung Quốc, nhưng không có chi tiết nào được tiết lộ.

Giới quan sát nói rằng chính quyền địa phương đang tìm cách trì hoãn vì lo sợ phản ứng của công chúng.

Nhưng giới quan sát cũng nghi ngờ nhà lãnh đạo mới của Hồng Kông, bà Carrie Lam, không thể khước từ Bắc Kinh, vì Bắc Kinh đã ủng hộ bà trong cuộc bầu cử vừa rồi.

Ông Albert Lai, chuyên gia phân tích chính sách làm việc cho The Professional Commons, phát biểu:

“Bà ấy còn phải trả nợ, các món nợ chính trị, và vì thế phải thoả mãn các lợi ích và những đòi hỏi từ Bắc Kinh, thế cho nên khó mà thấy bà ấy sẽ có đủ uy tín chính trị để có thể đứng lên bênh vực các lợi ích của người dân Hồng Kông.”

Cộng đồng doanh nghiệp của Hong Kong về phần lớn hoan nghênh dự án đường sắt cao tốc được đề nghị. Đối với họ, mối quan ngại lớn nhất không phải là sự hiện diện của cảnh sát Trung Quốc tại nhà ga, mà là liệu các thủ tục thuế quan có nhanh lẹ hay không.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG