Kế hoạch mới của Mỹ thắt chặt visa nhập cư có thể tác động đáng kể đến nhiều người Việt Nam sắp sửa định cư ở Mỹ theo diện bảo lãnh gia đình trong khi chính quyền của Tổng thống Trump đang tìm cách hạn chế nhập cư hợp pháp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 4 tháng 10 kí tuyên bố nói rằng những người nhập cư xin visa Mỹ sẽ bị từ chối nhập cảnh trừ phi họ có thể chứng minh rằng họ có thể đủ khả năng mua bảo hiểm y tế cho mình.
Kế hoạch này áp dụng cho những người xin visa nhập cư từ nước ngoài - không phải những người đã tới Mỹ. Nó không ảnh hưởng đến thường trú nhân hợp pháp, không áp dụng cho người xin tầm trú tị nạn, người tị nạn hoặc trẻ em.
Nhưng nó sẽ áp dụng cho vợ hoặc chồng và cha mẹ của công dân Mỹ, có thể tác động đến các gia đình đang tìm cách đưa cha mẹ của họ đến Mỹ.
Tuyên bố của Tổng thống Trump nói rằng người nhập cư sẽ bị cấm nhập cảnh Mỹ trừ phi họ chắc chắn được bảo hiểm y tế trong vòng 30 ngày kể từ khi vào nước Mỹ hoặc có đủ nguồn tài chính để trả cho bất kì chi phí y tế nào. Biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 3 tháng 11.
Bảo hiểm y tế bắt buộc có thể được mua riêng lẻ hoặc được cung cấp bởi chủ thuê mướn lao động. Bảo hiểm có thể là ngắn hạn hoặc chi phí thấp, nhưng không được phép nằm dưới chương trình phúc lợi y tế Medicaid của chính phủ liên bang dành cho người có thu nhập thấp. Và visa nhập cảnh sẽ không được cấp cho những người nhập cư sử dụng các khoản trợ cấp của Đạo luật Chăm sóc Y tế Giá Phải chăng (ACA) - thường được gọi là Obamacare - khi mua bảo hiểm.
Người Việt Nam là một trong những nhóm di dân có thể chịu tác động đáng kể vì có tỉ lệ nhập cư theo diện bảo lãnh gia đình cao.
Bà Như Trần ở bang Virginia, người đang bảo lãnh cho anh ruột sang định cư, cho biết bà mới nghe nói về quy định mới này và hoang mang không rõ nó sẽ có ảnh hưởng cụ thể ra sao trong thời gian tới.
Anh Đức Trương, một người có nhiều kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm dành cho người nhập cư gốc Việt ở Virginia, nói dù ở Mỹ có nhiều lựa chọn bảo hiểm y tế song việc tiếp cận chúng có thể là một trở ngại lớn cho những người xin visa định cư theo diện bảo lãnh trừ phi họ được người bảo lãnh giúp đỡ.
“Đối với diện vợ hoặc chồng bảo lãnh nhau thì người vợ hoặc chồng có thể đứng ra mua được (bảo hiểm) thông qua chương trình mà họ đang có như là qua hãng làm việc,” ông nói. “Nhưng mà đối với chương trình con cái bảo lãnh cha mẹ thì chính sách ông Trump là một rào cản rất lớn mà người Việt mình cần phải lưu ý.”
Ở Mỹ, những người đi làm có thể mua bảo hiểm qua hãng mà họ làm việc cho bản thân và vợ chồng, con cái của họ mà thôi. Người lao động mua bảo hiểm sức khỏe thông qua nơi họ làm việc thường trả chi phí rẻ hơn tự mua bên ngoài vì được chủ lao động tài trợ một phần.
Người được bảo lãnh là cha mẹ hoặc anh chị em ruột thì không thuộc diện được hưởng bảo hiểm y tế cùng với người bảo lãnh, nếu người bảo lãnh có được bảo hiểm y tế từ chủ thuê mướn lao động của họ. Điều này có nghĩa là người bảo lãnh phải mua bảo hiểm y tế riêng bên ngoài cho cha mẹ hay anh chị em của họ, và chi phí bảo hiểm có thể rất cao tùy theo tình trạng sức khỏe và tuổi tác, luật sư di trú Khanh Phạm từ Texas cho biết.
Đây có thể là một trở ngại về tài chính đối với những người bảo lãnh có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, cũng như những chính sách di trú trước đây được chính quyền Trump ban hành, luật sư Khanh nói, quy định mới này có thể bị thách thức tại tòa án và có “rất ít có khả năng Quốc hội sẽ chấp nhận.”
Chính quyền Trump đang tìm cách rời xa hệ thống nhập cư dựa trên bảo lãnh gia đình và chuyển sang hệ thống dựa trên thành tích. Tuyên bố của Tổng thống hôm 4/10 về visa định cư là một nỗ lực khác nữa nhằm hạn chế người nhập cư tiếp cận hỗ trợ của chính phủ.
Chính quyền Trump đầu năm nay đã ban hành những thay đổi sâu rộng đối với các quy định mà qua đó sẽ từ chối cấp thẻ xanh cho người nhập cư sử dụng một số hình thức phúc lợi xã hội. Nhà Trắng cũng chỉ đạo các quan chức thu hồi các khoản chi trả phúc lợi dựa trên thu nhập từ người bảo lãnh và đề xuất một quy định yêu cầu xác minh tình trạng di trú đối với bất kỳ ai muốn được chính phủ hỗ trợ nhà ở.