Bà Kadriye Avci Erdemli là phó giáo sĩ Istanbul, giới chức cao cấp thừ nhì của thành phố chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng Hồi giáo. Bà phụ trách chương trình giúp các đền thờ Hồi giáo trở nên thân thiện hơn với phụ nữ.
Bà nói rằng "Đây là dự án đầu tiên thuộc loại này trong thế giới Hồi giáo. Khi một phụ nữ bước vào một đền thờ là khi người phụ nữ đó bước vào ngôi nhà của Thượng đế và bà ta nên được tiếp đón một cách long trọng. Bà nói rằng “trước Thượng đế đàn ông và phụ nữ đều bình đẳng."
Kể từ hồi tháng Ba, bà Erdemli đã điều nhiều nhóm tới thăm khoảng 3.000 đền thờ ở Istanbul để đánh giá các cơ sở dành cho phụ nữ. Bà Erdemli nói rằng những gì mà các nhóm này phát hiện rất ghê rợn.
Bà nói rằng "nhiều đền thờ không có nhà vệ sinh cho phụ nữ hay thậm chí không có cả nơi cho họ rửa tay. Những khu vực dành cho phụ nữ thì dơ bẩn hoặc được dùng làm nhà kho.”
Nhưng dự án không phải chỉ nhằm mục đích lau dọn các đền thờ. Những vách ngăn chia cách nam giới và phụ nữ, dù là bằng tường hay bằng một bức rèm, đều nên được gỡ bỏ, mặc dù phụ nữ sẽ không cầu nguyện bên cạnh nam giới, mà cầu nguyện đằng sau họ. Các đền thờ sẽ có thời hạn đến tháng hai để thực hiện những thay đổi này.
Song sự thay đổi không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt là trong lĩnh vực tôn giáo. Và trong vài tháng qua bà Erdemli đã tổ chức gần 40 cuộc họp với các giáo sĩ và các giới chức tôn giáo trên khắp thành phố để giải thích rằng những cải cách này tuân thủ theo kinh Koran.
Trên các đường phố ở Istanbul nhiều phụ nữ ủng hộ những sự thay đổi này như cô Ayse Gul, một phụ nữ 30 tuổi.
Cô nói “các khu vực dành cho phụ nữ nhỏ hơn nhiều so với khu vực dành cho nam giới – những khu vực đó giống như những chỗ thừa ra ở phía sau hoặc ở trong góc.” Cô nói rằng đã đến lúc phụ nữ nên có những nơi sạch sẽ và rộng rãi hơn để cầu nguyện.
Cô Ayse Gul là một trong những người thuộc tầng lớp ngày càng nhiều người Hồi giáo trung lưu của Thổ Nhĩ Kỳ đang nổi lên trong một thập niên cai trị của đảng AK thân Hồi giáo.
Đảng AK cũng bãi bỏ hoặc nới lỏng các hạn chế về giáo dục và việc làm cho các phụ nữ đeo khăn trùm đầu của người Hồi giáo.
Giáo sư Istar Gozaydin, một chuyên gia về các vấn đề tôn giáo tại Đại học Dogus của Istanbul, nói rằng việc mở cửa các đền thờ cho phụ nữ đang ngày càng được nhiều nữ trí thức tiếp sức.
Bà nói: "Chúng ta thấy ngày càng nhiều phụ nữ Hồi giáo được giáo dục tại các trường đại học, phụ nữ đi làm tại công sở và họ xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội. Trước đây họ ở nhà nhiều hơn và đảm trách vai trò truyền thống là chăm sóc con cái nhiều hơn. Giờ đây ngày càng nhiều phụ nữ có nghề nghiệp chuyên môn. Và họ muốn tham gia vào hệ thống các đền thờ.”
Nhưng không phải ai cũng hài lòng với những diễn biến như vậy. Các nhà bình luận trên các tờ báo Hồi giáo đã chỉ trích sáng kiến này và cáo buộc rằng sáng kiến đó khuyến khích phụ nữ ra ngoài xã hội và theo lối sống phương tây. Và những lời chỉ trích của họ đã được các tín đồ nam giới lặp lại.
Tại đền thờ Suleymania ở Istanbul, nhiều người dự lễ cầu nguyện ở đây nghi ngờ về sáng kiến này. Ông Mehmet Gul, 50 tuổi, chủ một cửa hàng địa phương nói ông tin là chỗ dành cho phụ nữ là ở nhà. Họ nên cầu nguyện ở nhà. Các đền thờ không đủ lớn kể cả chỉ cho nam giới.
Ông nói rằng đặc biệt là vào các buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu và trong các dịp lễ tôn giáo không có đủ chỗ cho nam giới. Ông nói rằng sẽ không tốt cho phụ nữ đến đền thờ.
Thậm chí cả một số phụ nữ cũng ngần ngại, đặc biệt là việc gỡ bỏ các bức tường ngăn hoặc những tấm rèm ngăn cách các tín đồ nam và nữ.
Một người nói rằng phụ nữ nên được tách khỏi nam giới. Cần phải có rèm ngăn cách. Đây là một qui tắc đạo đức. Phụ nữ là “những trái cấm” và nam giới không nên nhìn thấy họ.
Phó giáo sĩ Erdemli thừa nhận rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để chinh phục trái tim và tình cảm của các tín đồ, thậm chí cả một số tín đồ nữ. Tuy nhiên, bà quyết tâm không từ bỏ sáng kiến này.
Tại thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, một cuộc cách mạng đang diễn ra tại các đền thờ Hồi giáo. Một dự án vừa được khởi động để giúp các đền thờ trở nên thân thiện hơn với phụ nữ. Tuy nhiên, sáng kiến này cũng không khỏi gây tranh cãi.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1