Vào lúc cộng đồng người Việt khắp nơi ở Mỹ đang tưởng niệm sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, cuộc chiến tranh xâm lược của Nga nhắm vào Ukraine đang tô đậm thêm nỗi xót xa cay đắng nơi một số người khi họ nghĩ về số phận của đất nước họ giờ không còn tồn tại.
Sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa trước cuộc tiến công của phe cộng sản khép lại Chiến tranh Việt Nam, một cuộc xung đột đẫm máu không chỉ giữa hai miền nam bắc mà còn là cuộc đối đầu ý thức hệ thời Chiến tranh Lạnh giữa các cường quốc Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc.
Tại Việt Nam, chiến thắng của phe cộng sản được mô tả là kết cục hào hùng cho công cuộc “giải phóng miền Nam thống nhất đất nước” nhưng đối với hàng triệu người bỏ nước ra đi sau năm 1975, nó đặt dấu chấm hết cho một nền tự do mà họ từng biết và gieo vào tâm thức họ nỗi “quốc hận.”
47 năm sau, những kí ức tưởng đã lùi xa giờ lại hiện lên sống động khi những hình ảnh từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine nhắc họ nhớ lại những đau thương và kinh hoàng của cuộc chiến mà họ đã trải qua, và về số phận của đất nước họ khi cuộc chiến kết thúc.
Kể từ khi Nga phát động chiến tranh nhắm vào nước láng giềng phía nam vào tháng 2, Tiến sĩ Đinh Xuân Quân, một kinh tế gia đã về hưu ở miền bam bang California, thường xuyên xuất hiện trong những chương trình bình luận thời sự của một đài truyền hình tiếng Việt địa phương. Ông đưa ra những phân tích về tình hình chiến sự hàng ngày và nhắc nhở khán giả nhớ về những gì từng xảy ra ở Việt Nam
“Cuộc xâm lăng Ukraine của Nga đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều và liên tưởng tới cuộc chiến tranh Việt Nam nhất là sắp tới ngày 30 tháng 4, ngày mà Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ,” ông nói với VOA qua email ngày thứ Năm. “Nó cho tôi liên tưởng đến một miền Bắc xâm chiếm miền Nam, nó là cuộc nội chiến giữa miền Bắc và miền Nam, một cuộc chiến giữa phe Quốc gia giành độc lập và phe Cộng sản trá hình Việt Minh có từ những thập niên 1930-1940 đến 1975.”
Từng phục vụ trong tư cách một chuyên viên kinh tế tại ngân hàng trung ương của Việt Nam Cộng Hòa, ông cho biết ông bị bắt đi tù cải tạo trong ba năm và sau đó vượt biên qua Mỹ vào năm 1979.
Ông nhận định sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa là “thí dụ điển hình phe tà thắng phe thiện” trong cuộc chiến giữa tự do chống lại độc tài. Bi kịch của Việt Nam Cộng Hòa là nước này có đồng minh nhưng không kiên trì như phe cộng sản, ông nói. “Sau khi đồng minh nhất là Mỹ rút thì Việt Nam Cộng Hòa cố gắng hết sức để tự lực tự cường nhưng thời gian không cho phép.”
Đối với những người từng cầm súng chiến đấu, sự ủng hộ và hỗ trợ mà Mỹ và các nước phương Tây đang cung cấp cho Ukraine khiến họ không khỏi chạnh lòng về điều mà họ xem là sự đơn độc của Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến chống lại phe cộng sản. Việt Nam Cộng Hòa đã bị “bỏ rơi” và cuối cùng bị “bức tử” bởi chính những đồng minh của mình.
“Vào thời điểm năm 1973 [Mỹ] rút hết quân đội ra khỏi miền Nam, từ bao nhiêu tỉ đôla họ rút xuống còn 300 triệu,” ông Đinh Hùng Cường, thiếu tá bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa từng tham gia chiến đấu bảo vệ một tuyến đường tiếp tế vào đầu tháng 4 năm 1975, nói từ bang Virginia, lưu ý rằng viện trợ của Mỹ sụt giảm mạnh đã khiến quân đội gặp rất nhiều khó khăn trên chiến trường.
“Còn bây giờ mình thấy cả thế giới, các quốc gia NATO bên Âu Châu, đều đồng lòng giúp cho Ukraine để mà chống lại Nga. Nước Mỹ lúc đầu còn e dè thì bây giờ đã đi tới ba mươi mấy tỉ đôla để giúp cho Ukraine thì mình thấy rõ là Ukraine đứng vững được ngày hôm nay là nhờ NATO, nhờ Mỹ, nhờ thế giới tự do. Còn Việt Nam không thể đứng được vì họ đã bỏ mình, họ không viện trợ cho mình, và hơn nữa họ không có lòng nhân đạo để giúp cho mình chiến đấu thành ra bắt buộc mình bị cộng sản chiếm thôi.”
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày thứ Năm yêu cầu Quốc hội cấp 33 tỉ đôla để hỗ trợ Ukraine – một mức tăng rất lớn về tài trợ của Mỹ dành cho cuộc chiến với Nga - và các công cụ mới để rút tài sản từ các nhà tài phiệt Nga. Yêu cầu ngân khoản này bao gồm hơn 20 tỉ đôla cho vũ khí, đạn dược và các hình thức viện trợ quân sự khác, cũng như 8,5 tỉ đôla hỗ trợ kinh tế trực tiếp cho chính phủ và 3 tỉ đôla viện trợ nhân đạo.
“Chúng tôi cần dự luật này để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến vì tự do,” ông Biden nói tại Nhà Trắng sau khi kí yêu cầu ngày thứ Năm. “Cái giá phải trả của cuộc chiến này không hề rẻ, nhưng nhún nhường sự gây hấn thì sẽ còn tốn kém hơn.”
Khi cuộc chiến tranh Việt Nam đang lùi xa dần vào quá khứ và những thế hệ người Việt trẻ hơn sinh trưởng ở Mỹ ít gắn bó hơn với cộng đồng, có những lo ngại rằng rồi đây kí ức về cuộc chiến vì tự do của Việt Nam Cộng Hòa sẽ bị quên lãng. Nhưng Sean Le, 40 tuổi, một hạ sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ đã giải ngũ, đang cố gắng gìn giữ những kí ức này và phổ biến nó qua những video mà anh đăng tải trên kênh YouTube của anh với hàng trăm ngàn người theo dõi.
Trả lời phỏng vấn của VOA từ Quận Cam ở nam California, anh cho biết kể từ khi anh theo gia đình qua Mỹ định cư vào năm 1995, anh bắt đầu đọc và hiểu nhiều hơn về biến cố lịch sử 30 tháng 4 mà trước đây ở Việt Nam anh chỉ biết đó là một ngày lễ đánh dấu sự kiện “giải phóng miền Nam.”
“Khi mình càng tìm hiểu thì mình càng thấy đau lòng. Đó là một trong những giai đoạn lịch sử mà Sean thấy rất là quan trọng mà chúng ta cần phải gìn giữ và phải nhắc đến, không những nhắc đến mà phải vinh danh những người đã hi sinh vì cuộc chiến đó và những nạn nhân đã bỏ mạng trên biển cả,” anh nói, nhắc đến những người tị nạn vượt biên sau năm 1975. “Những nhân vật trong lịch sử này không hề được nhắc đến dưới mái trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Sean cảm thấy đó là một điều rất bất công, một điều sỉ nhục cho lịch sử.”
Cựu quân nhân này nói anh nhìn thấy những nét tương đồng giữa cuộc chiến của Việt Nam Cộng Hòa nửa thế kỉ trước và cuộc chiến của Ukraine ở hiện tại. Anh hi vọng số phận của Ukraine sẽ khác Việt Nam Cộng Hòa nhờ sự hỗ trợ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
“Qua cuộc chiến này chúng ta thấy được lòng yêu nước của người dân Ukraine mạnh mẽ đế cỡ nào, nó không dễ gì khuất phục trước bất cứ sức mạnh về quân sự nào của kẻ xâm lăng,” anh nêu ý kiến.
Sau khi thất bại trong cuộc tấn công vào thủ đô Kyiv ở phía bắc Ukraine vào tháng trước, Nga hiện đang cố gắng chiếm hoàn toàn hai tỉnh miền đông được gọi là Donbas.
Ukraine thừa nhận đã mất quyền kiểm soát một số thị trấn và làng mạc ở đó kể từ khi cuộc tấn công bắt đầu vào tuần trước, nhưng nói rằng Moscow đã đánh đổi những bước tiến bằng tổn thất to lớn đối với một lực lượng Nga đã suy yếu sau thất bại trước đó gần thủ đô.
Các quan chức phương Tây nói Nga chịu ít thương vong hơn sau khi thu hẹp quy mô cuộc xâm lược nhưng con số này vẫn ở mức "khá cao," trong khi Bộ Quốc phòng Anh cho biết những bước tiến của Nga đến nay vẫn hạn chế và trả giá bằng "tổn thất đáng kể."
Dù cuộc chiến ở Ukraine gợi lại nỗi xót xa nơi nhiều người Việt từng sống dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa, nó cũng khơi niềm hi vọng nơi những người từng tuyệt vọng chứng kiến sự cáo chung của đất nước họ.
Cựu thiếu tá Đinh Hùng Cường nói Ukraine “thật là may mắn” khi nhận được sự ủng hộ và viện trợ từ các nước đồng minh cũng như dư luận quốc tế, điều mà nước của ông đã thiếu khi cuộc chiến bước vào giai đoạn quyết định.
“Mình hãy tin tưởng rằng chính nghĩa lần này sẽ thắng và Ukraine sẽ không bị bức tử như Nam Việt Nam 47 năm về trước,” ông nói.