Đường dẫn truy cập

Tưởng niệm


Đối với nhiều người Việt tỵ nạn trên thế giới, những ngày cuối tháng 4 là những ngày tràn đầy cảm xúc. Buồn nhiều hơn vui. Nhớ về những mất mát, thất vọng, hơn là những gì họ đã nhận được từ ngày phải bỏ nước ra đi.

Mà cũng phải thôi. Nếu không có ngày này thì chắc chắn đã không có hai chữ ‘thuyền nhân’ đi trước hai chữ Việt Nam. Nếu không có ngày này, thì tôi và rất nhiều các bạn hiện đang đọc bài viết này đã không thể và không có những gì mà chúng ta hiện đang có. Như lời chia xẻ trên trang mạng Facebook của tôi vào đúng ngày 30 tháng 4: ‘Without this day, we wouldn’t be who we are today’.

Sự thành đạt, hiểu biết, được sống, suy nghĩ và nói lên những gì chúng ta thật lòng muốn nói – tất cả, tất cả đều có được từ những mất mát, đau thương sau ngày Sài Gòn sụp đổ. Cũng có thể đấy là ý tưởng mà Đức Đạt La Lạt Ma của Tây Tạng muốn nhắn gửi đến mọi người qua câu nói mà chúng ta thường nghe:

Remember that not getting what you want is sometimes a wonderful stroke of luck.

Xin hãy nhớ rằng đôi khi không đạt được điều chúng ta mong muốn lại là một sự may mắn kỳ diệu.

Nhưng đối với riêng tôi những ngày cuối tháng tư nó còn mang một ý nghĩ khác. Cũng là mất mát đấy. Rất nhiều. Nhất là trong năm nay. Nhưng lắng đọng hơn hết vẫn là những kỷ niệm đẹp của một thời. Và những bài học vô giá mà mãi mãi về sau tôi sẽ luôn trân trọng.

Vì năm nay, cũng trong những ngày cuối tháng 4 này, là lần giỗ thứ 10 kể từ ngày Pam mất.

Pam là tên mà chúng tôi, những đồng nghiệp, bạn bè, thân hữu vẫn thường gọi bà Pam Baker, người luật sư gốc Scotland từ Anh Quốc đã giúp hàng chục ngàn thuyền nhân Việt Nam ở Hồng Kông từ thập niên 1980, 1990. Mãi cho đến ngày bà mất ở Anh vào năm 2002, hưởng dương 71 tuổi.

Đã hơn một lần tôi viết về Pam. Lúc Pam còn sống. Khi tôi vẫn còn đang đi học. Và đều đặn mỗi năm một lần khi tôi sang Hồng Kông 3 tháng nhân dịp nghỉ hè để giúp việc trong văn phòng Pam.

Mãi cho đến khi Pam mất tôi vẫn viết về bà. Như trong bài viết số 77 mang tựa đề đơn giản là ‘Pam Baker’ được đăng lại trong quyển sách đầu tay của tôi, ‘Hội & Ngộ’, tôi đã chia xẻ như sau:

Tôi không thể quên được Pam, không thể quên được nghĩa tình của Pam đã dành cho những người Việt tỵ nạn không nhà, không cửa. Nhưng trên hết tôi không thể nào quên được giọng nói khàn đục, tiếng cười sảng khoái và tư tưởng tự do cá biệt của bà. Đối với Pam trong bất cứ công việc gì mà chúng ta làm, điều cần thiết nhất không phải là đánh giá xem việc ấy là việc đại sự có đáng làm hay không, mà là bạn có thật sự thích nó hay không. ‘If you stopped having fun, then you’d better stop doing it’, Pam đã thường nói thế.

Và bà còn nói nhiều câu đáng nhớ nữa mà tôi không thể nào kể hết ra đây. Chỉ biết là nếu như để lớn nên người tôi đã phải nhờ vào ơn sinh dưỡng dục của ba mẹ tôi, thì để trở thành một luật sư đúng nghĩa tôi đã rất may mắn gặp được Pam từ những ngày tôi vẫn còn đi học.

Nếu không có Pam chắc chắn tôi đã không thể nào làm được những việc tỵ nạn mà tôi đã bắt chước Pam làm. Cũng chắn chắn rằng tôi không thể nào là tôi: không thích quan trọng hóa vấn đề, không thích câu nệ quá mức, ghét sự độc đoán kinh khủng và luôn biết tự nhắc nhở mình phải học thuộc nằm lòng câu nói của Pam:

We judge how civilized a society may be not by looking at how it treats the wanted but rather the unwanted - Chúng ta đánh giá sự văn minh của một xã hội không phải bằng cách nhìn xem những người có quyền lực, giàu có, họ được đối xử ra sao mà phải xem những người bị ruồng bỏ bị đối xử như thế nào.

Mười năm đã trôi qua. Đây là một quãng thời gian khá dài đối với những thằng con trai hời hợt, ít nhớ đến những tiểu tiết như tôi. Nhưng những lời tâm sự của Pam, tiếng cười khàn đục, sảng khoái của bà, trên miệng luôn phì phèo điếu thuốc hiệu Dunhill cùng với một niềm tin mãnh liệt vào sự tranh đấu cho công bằng và lẽ phải là những hình ảnh, lời nói mà tôi không thể nào quên được.

Cũng như những hình ảnh mà các thế hệ trước của ông bà, cha mẹ tôi, của những người thân các bạn phải gánh chịu, khi tù tội, lúc ly tán kể từ ngày phải bỏ nước ra đi sẽ không có gì có thể làm xóa mờ, tan biến. Cho dù tháng tư này, năm nay là lần tưởng niệm thứ 37. Hay mãi về sau vẫn thế. Tôi tin chắc là vậy.

Vì những đau thương, nhức nhối có thể vơi đi theo năm tháng. Nhưng những kỷ niệm của một thời, những hình ảnh đong đầy ngày tháng cũ, vui hay buồn, đều sẽ luôn hiện diện ở trong ta cho đến tận cuối đời.

Chuyện riêng tư cá nhân đã vậy. Nói chi đến di sản của cả một dân tộc.

Chắn chắn rằng sẽ có một ngày chúng ta, những người con Việt Nam đang lưu lạc khắp bốn phương trời, sẽ có dịp quay trở về lại quê cha để cùng nhau xây dựng đất nước. Để thấy và cảm nhận được ý nghĩa sâu xa trong lời nói ngắn gọn của Đức Đạt La Lạt Ma:

Remember that not getting what you want is sometimes a wonderful stroke of luck.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG