Đường dẫn truy cập

Tương lai Ai Cập sẽ ra sao sau vụ lật đổ phe Hồi giáo?


Một ủng hộ viên của Tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi trong một cuộc biểu tình ở trung tâm thủ đô Cairo, ngày 15/7/2013.
Một ủng hộ viên của Tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi trong một cuộc biểu tình ở trung tâm thủ đô Cairo, ngày 15/7/2013.

Lộ đồ của quân đội Ai Cập

Lộ đồ của quân đội Ai Cập cho tương lai:

• Tạm thời đình chỉ hiến pháp.

• Chính phủ dân sự lâm thời do ông Adly Mansour đứng đầu.

• Bầu cử tổng thống và quốc hội trước hạn.

• Thành lập một ủy ban hòa giải dân tộc.

• Thực thi một bộ quy tắc đạo đức truyền thông.
Gần hai tuần sau khi quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi, đảng Huynh đệ Hồi giáo vẫn chưa đưa ra dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng tham gia vào tiến trình chuyển tiếp chính trị của nước này. Thông tín viên William Gallo của đài VOA có bài tường trình sau đây.

Tổng thống lâm thời Adly Mansour kêu gọi nhóm Huynh đệ Hồi giáo tham gia tiến trình chuyển tiếp do quân đội lãnh đạo trong các cuộc bầu cử sắp tới để quyết định về một bản hiến pháp mới, và bầu ra một quốc hội và tổng thống mới.

Tuy nhiên đảng Huynh đệ Hồi giáo từ chối, với lập trường kiên quyết rằng làm như vậy có nghĩa là chính thức chấp nhận điều mà họ xem là cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ của Tổng thống Morsi, nhà lãnh đạo dân cử đầu tiên của Ai Cập.

Ông Gehad Al-Haddad, một người phát ngôn của Huynh đệ Hồi giáo, nói với đài VOA rằng, sẽ là vô nghĩa nếu đảng của ông ra tranh cử, như họ đã làm cách đây hai năm, trong khi đảng ông không tin là quân đội Ai Cập sẽ để cho họ nắm quyền.

"Không có gì bảo đảm là quân đội sẽ không lập lại hành động này. Chúng tôi đã giành thắng lợi trong một cuộc bầu cử tổng thống, chúng tôi đã vượt qua các cuộc bầu cử quốc hội, chúng tôi đã vuợt qua một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp."

Một số nhà phân tích nói có thể hiểu được là đảng Huynh đệ Hồi giáo nghi ngờ sự bảo đảm của quân đội, là những người cấm đảng Hồi giáo này không được hoạt động trong nhiều thập niên.

Nhà bình luận chính trị Ai Cập Nervana Mahmoud nói rằng điểm mấu chốt đối với Ai Cập là đưa ra một cơ chế giới hạn quyền hành của những ai thắng cử. Bà nói với đài VOA rằng theo một cơ chế như vậy thì những người theo đảng Hồi giáo sẽ không có gì để lo sợ.

"Nếu đảng Hồi giáo lại thắng cử, họ sẽ có quyền lên cầm quyền. Nhưng phần còn lại của Ai Cập sẽ không chấp nhận điều đó trừ phi có một cơ chế chắc chắn của một hiến pháp thích hợp, và luật lệ thích hợp để bảo đảm dân chủ."

Những người chỉ trích cáo buộc ông Morsi đã sử dụng thời gian một năm làm tổng thống của ông để tìm cách thâu tóm quyền hành về cho đảng Huynh đệ Hồi giáo. Họ cũng cho rằng chính phủ của ông Morsi không bảo vệ những người thiểu số và không chú tâm vào việc khôi phục nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Nhiều đối thủ của ông Morsi không cho rằng cuộc lật đổ tổng thống do quân đội thực hiện đó là một cuộc đảo chính. Họ lập luận rằng diễn biến đó xảy ra dưới áp lực của nhiều ngày biểu tình rộng khắp đòi ông Morsi phải từ chức. Tuy nhiên bà Mahmoud nói rằng lập luận đó không thuyết phục.

Những ngày tháng quan trọng ở Ai Cập

Những ngày tháng quan trọng ở Ai Cập

11 tháng 2, 2011: Tổng thống Hosni Mubarak từ chức sau nhiều tuần lễ xung đột và biểu tình ồ ạt.

21 tháng 1, 2012: Đảng Tự do và Công lý của tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo thắng gần như phân nửa số ghế tại Quốc hội Ai Cập.

24 tháng 6, 2012: Ông Mohamed Morsi trở thành vị tổng thống đầu tiên được bầu lên một cách tự do.

22 tháng 11, 2012: Ông Morsi tự ban cho mình nhiều quyền hành rộng rãi, châm ngòi cho những vụ biểu tình.

3 tháng 7, 2013: Quân đội tước quyền của ông Morsi và đình chỉ hiến pháp.

4 tháng 7. 2013: Ông Adly Mansour tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời.

8 tháng 6, 2013: 51 người thiệt mạng trong các vụ xung đột giữa quân đội và những người ủng hộ ông Morsi, ông Mansour ấn định thời biêåu cho các cuộc bầu cử.
"Cuộc đảo chính đã xảy ra. Cho dù chúng ta có đồng ý với điều đó hay không, cho dù chúng ta có tranh luận đó là đảo chánh hay không, thì nó vẫn đã xảy ra rồi, và chúng ta phải chìu theo tình thế. Và theo tôi thì không có sự mong muốn chìu theo tình thế, nhất là về phía đảng Hồi giáo."

Tuy nhiên hòa giải có thể sẽ khó khăn, bởi vì chính phủ đã ra lệnh bắt giữ nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của đảng Huynh đệ Hồi giáo. Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi quân đội đã giết chết hơn 50 người ủng hộ ông Morsi trong một cuộc biểu tình của phe Hồi giáo hồi tuần trước.

Nhưng ông Adel Abdel Ghafar, một giáo sư thỉnh giảng ở đại học American University ở Cairo, nói với đài VOA rằng chọn lựa duy nhất trong dài hạn là phải bao gồm Huynh đệ Hồi giáo trong tiến trình chính trị. Ông nói nếu không làm được như vậy thì sẽ làm tăng khả năng bất ổn chính trị lâu dài.

"Tất nhiên là phe Hồi giáo sẽ rất hoài nghi về việc tham gia. Nhưng chọn lựa khác đi sẽ rất là u tối. Sẽ là một cuộc nội chiến, và tôi nghĩ không người Ai Cập nào muốn đi vào con đường đó."

Ông Ghafar tin rằng đảng Huynh đệ Hồi giáo hiểu được là không thể phục chức được cho ông Morsi. Theo ông Ghafar, đảng này có thể giàn xếp một thỏa thuận để cho những thành viên cấp cao của họ tránh bị truy tố và một số thành viên tiếp tục nắm giữ một số quyền hành.

Nhưng cho đến giờ, có ít dấu hiệu cho thấy những thương lượng đó đang diễn ra. Và ít ra là ở chỗ công khai, các giới chức Huynh đệ Hồi giáo nói rằng họ tiếp tục kế hoạch biểu tình mỗi ngày để đòi phục chức cho ông Morsi, cho dù nỗ lực đó được xem như là vô ích.

Một số hình ảnh từ đường phố thủ đô Ai Cập

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG