Đường dẫn truy cập

Từ tháng 10 đến nay, Hà Nội, Tp.HCM thường xuyên bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng


Người dân đi lại trong bầu không khí ô nhiễm ở Hà Nội (ảnh tư liệu, tháng 10/2019, REUTERS/Kham).
Người dân đi lại trong bầu không khí ô nhiễm ở Hà Nội (ảnh tư liệu, tháng 10/2019, REUTERS/Kham).

Báo chí Việt Nam cho hay từ đầu tháng 10 đến nay, hai thành phố lớn nhất Việt Nam là thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có nhiều ngày bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng, thậm chí có lúc vào nhóm các đô thị ô nhiễm nhất thế giới.

Hôm 7/10, trang tin VOV và một số đài, báo khác trong nước loan tin rằng Hà Nội và Tp.HCM vào buổi sáng cùng ngày bị xếp vào “top những thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới” theo dữ liệu của trang IQAir, một công ty công nghệ theo dõi chất lượng không khí.

Trong tháng 11, các báo, đài nhiều lần tường thuật rằng hai đô thị hàng đầu Việt Nam chịu cảnh ô nhiễm không khí ở mức “nguy hiểm”, “báo động”, “đáng lo ngại”, “đầu bảng thế giới”…

Mới đây nhất, một bản tin của Thanh Niên hôm 5/12 viết rằng trong hơn 1 tháng trở lại đây, bầu trời Hà Nội “thường xuyên trong tình trạng khói bụi bao phủ mù mịt, thường xuyên trên mức báo động đỏ” và mức ô nhiễm không khí của thủ đô bị xem là “nghiêm trọng hơn” Tp.HCM.

Thanh Niên nêu bật tình trạng của ngày 25/11 với cảnh “bầu trời quanh khu vực nội thị chìm trong lớp bụi mịn dày đặc, những ngôi nhà cao tầng bị che mờ dưới lớp sương trắng”.

Hôm đó, một số nơi như phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, có chỉ số AQI là 229 µm/m3 (micromet trên 1 mét khối), vượt mức báo động đỏ chuyển sang màu tím. AQI là chỉ số chất lượng không khí, đo lường lượng các hạt bụi và hạt vật chất khác gây ô nhiễm.

Vẫn Thanh Niên dẫn khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) viết rằng mức đỏ thể hiện “chất lượng không khí xấu” và mọi người nên hạn chế ra ngoài, đặc biệt là nhóm đối tượng nhạy cảm như người già và trẻ em, những người có bệnh về đường hô hấp.

Trang mạng của báo Sài Gòn Giải Phóng đăng bài hôm 3/12 cho hay ở thời điểm cuối năm, ô nhiễm bụi đang ở mức cao, đặc biệt là ở Hà Nội và Tp.HCM.

Số ngày có chỉ số chất lượng không khí ở mức “kém, xấu và rất xấu” chiếm tỷ lệ “khá lớn” và tiềm ẩn nguy cơ “gây ảnh hưởng nghiêm trọng” đến sức khỏe người dân, Sài Gòn Giải Phóng viết.

Báo này cho rằng nguyên nhân chính là “hàng ngàn công trình xây dựng đang thi công” cộng với “hàng triệu phương tiện cá nhân” đi lại mỗi ngày.

Ngoại trừ hôm 4/12 khi bầu trời Tp.HCM “trong lành trở lại”, trong mấy ngày trước, bầu trời ở đô thị này “luôn như bị phủ một lớp sương dày, đục, kéo dài cả ngày”, theo Thanh Niên.

Về chiều lớp "sương mù" dày hơn, kèm theo là “bầu không khí ngột ngạt” làm cho nhiều người dân của thành phố phải đặt câu hỏi đó là "sương mù hay bụi mịn?".

Thanh Niên dẫn lời các chuyên gia nói rằng “không khí ngầu đục suốt cả ngày rõ ràng là dấu hiệu của ô nhiễm không khí”.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nói trong bản tin của báo này rằng mùa ô nhiễm đang quay trở lại với các tỉnh phía bắc mà tâm điểm là Hà Nội và miền nam là Tp.HCM.

“Thường thì mùa ô nhiễm không khí bắt đầu khi mùa mưa kết thúc và không khí lạnh về, kéo dài đến tháng 3-4 năm sau”, ông nói. Chuyên gia này nhận định rằng thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm gia tăng theo sự phát triển ngày càng sôi động của nền kinh tế ở cả hai thành phố lớn.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG