Bùi Văn Phú
Đến Ai Cập và Jordan, chúng tôi tự sắp xếp chương trình thăm những nơi mình muốn. Qua Do Thái mấy ngày đầu tự lên lịch tham quan, sau đó nhập vào đoàn người đến từ Mỹ và Úc, trong chuyến hành hương do linh mục Dòng Tên Nguyễn Tầm Thường hướng dẫn.
Đến Tel-Aviv hai hôm thì biết tin khủng bố đánh bom trên đường gần khu kim tự tháp Giza bên Ai Cập làm bốn du khách Việt chết và nhiều người bị thương. Tin loan nhanh trên truyền thông quốc tế nhưng chúng tôi không biết ngay, cho đến tối về khách sạn, đọc lời nhắn từ gia đình và người quen lo lắng hỏi thăm. Vụ bạo động cho thấy an ninh và ổn định chính trị ở Cairo có vấn đề, kẻ đánh bom chỉ nhắm vào việc phá hoại, tạo rối loạn chứ không phải khủng bố nhắm vào người phương Tây.
Vì xung đột và căng thẳng giữa Do Thái với các nước Hồi giáo chung quanh, nên tại phi trường Ben Gurion, khi xem hộ chiếu thấy có thị thực vào Ai Cập và Jordan, nhân viên di trú đã hỏi nhiều câu hỏi liên quan đến những ngày chúng tôi ở đó, đặc biệt là ở Jordan, như có quen biết ai, thời gian ở bên đó ở đâu, đi những nơi nào. Từ Amman bay qua Tel-Aviv, lên đến cửa máy bay rồi còn có an ninh Do Thái đứng đó bắt mở túi xách, hành lí ra khám, như thế cho thấy việc kiểm soát an ninh của Do Thái rất chặt chẽ.
Xong xuôi, không đóng dấu vào hộ chiếu mà nhân viên chỉ đưa cho tờ giấy rời, có hình mình vừa chụp tại chỗ, trong đó ghi ngày đến, thời hạn được ở.
Phi trường ở đây hiện đại và mọi thứ cũng có tổ chức, trật tự hơn. Ghé quầy thông tin cho du khách hỏi cách đi taxi vào trung tâm thành phố và được chỉ dẫn rõ ràng. Ra cổng theo số đã biết, có hàng taxi đứng chờ sẵn, giá cố định từ 110 đến 160 shekels (1 Mỹ-kim đổi được 3.7 shekels) chở khách vào trung tâm thành phố.
Ngày đầu tiên trời mưa tầm tã. Ăn sáng trong khách sạn cũng có trứng, dưa chuột, cà rốt, sữa chua, trái ô-liu các loại, bánh mì nướng, nước cam, trà, càphê. Điều lạ là có cả những loại cá sống, còn cả da, mà tôi không thử vì còn quá sớm.
Ngớt mưa chúng tôi đi bộ thăm một hội đường, synagogue, rồi ra khu Camel Market, không rộng lớn như ở Cairo. Có nhiều sạp hàng bán chà-là, trái lựu và rau quả. Nhiều sạp bán đồ thủ công làm kỷ niệm là những vòng đeo tay, đeo cổ bằng cườm với hình ảnh tôn giáo, giá phải chăng và nhà tôi không thể mặc cả để giảm giá được nhiều, chừng vài đô-la cho một món quà nhỏ.
Rảo quanh thấy bán nhiều bánh kẹo, gia vị đủ loại cùng nhiều rau củ quả. Đất nước toàn cát sa mạc mà người Do Thái đã trồng được rất nhiều sản phẩm nông nghiệp, rau các loại, có cả xu hào; trái cây có cam, táo, bưởi, không những dư cung cấp cho nội địa mà còn xuất khẩu. Chà-là tươi hay khô đều rất ngọt. Nước lựu tươi ép, pha với cam thật thơm và tốt cho sức khoẻ. Ở đây chúng tôi mua được vài trái mà bên ngoài giống mãng cầu xiêm còn trong ruột như na, thơm và ngọt, là chút hương vị quê xưa nơi miền đất lạ.
Hôm sau đi theo chương trình tham quan miễn phí của khách sạn. Xe chạy qua những con phố chính của Tel-Aviv, nghe cô hướng dẫn nói về lịch sử lập quốc của Do Thái, khởi đầu với những người khởi xướng phong trào Zion ở Đông Âu cách đây hơn bảy chục năm. Đến năm 1948, bằng một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, nước Do Thái được khai sinh. Từ đó người gốc Do Thái khắp nơi trở về sinh sống, từ nhiều quốc gia cộng sản như ở Liên bang Sô-Viết, Đông Âu, người gốc Jews (Do Thái) đã phải tranh đấu để được quyền di dân trở về cố quốc. Ngày nay, sau 70 năm thành lập, đất nước này có dân số gần 9 triệu và địa lý ngày càng mở rộng sang những vùng đất của Palestine hay chiếm đóng từ những quốc gia lân bang qua hơn một chục cuộc chiến.
Qua khu phố chính của thủ đô là những con đường Ben Gurion, Dizengoff, Rothschild với toà nhà cao tầng, đông khách bộ hành và có nơi phượng đang xum xuê lá với trái xanh, đen. Đi ngang qua trụ sở của bộ quốc phòng, một nhà bê tông nhiều tầng, cô hướng dẫn nói thanh niên nam nữ ở đây đều phải đi nghĩa vụ quân sự và chỉ những người thật tài giỏi mới được phục vụ trong toà nhà đó.
Hai chục du khách được đưa đến Diamond Center để xem các mặt hàng. Nhiều người đã mua vòng đeo, mua nhẫn. Do Thái nổi tiếng là trung tâm sản xuất kim cương. Số lượng nhập kim cương thô chỉ khoảng 10% và sau khi qua kỹ thuật cắt góc cạnh tinh vi để sản xuất ra những viên kim cương sáng chói, Do Thái xuất khẩu 60% kim cương trên thế giới.
Rời nơi mua sắm kim cương, xe chạy dọc theo biển, với những bãi tắm và khách sạn lớn, trước khi đến phổ cổ Jaffa. Nơi đây có nhà thờ Thánh Phêrô, đứng từ đó nhìn ra biển Địa Trung Hải thấy Tel-Aviv đã lên đèn lấp lánh. Đó cũng là đoạn đường dài chừng chục kilomét mà hai nghìn năm trước vị thánh cả của giáo hội Thiên Chúa giáo đã thường đi tới đi lui giảng đạo.
Lịch sử dân tộc Do Thái gắn liền với cuộc đời của Giêsu mà người Thiên Chúa giáo có nghi thức trọng đại tôn vinh trong tuần thánh hàng năm. Bắt đầu với Giêsu trở về Jerusalem trong ngày lễ lá, sau đó bị luận tội và bị đóng đinh vào thập tự giá trên đồi Golgotha. Tín đồ Kitô giáo tin rằng Giêsu chết để chuộc tội cho thiên hạ và đã sống lại trong mầu nhiệm Phục Sinh mà giáo hội Thiên Chúa giáo mừng kính đúng một tuần sau lễ lá.
Hai hôm sau chúng tôi nhập vào hoàn hành hương, được đưa trở lại Jaffa ăn trưa. Món ăn phổ thông ở đây, như người Việt ăn phở hay người Mỹ ăn burger, là món shawarma với thịt trừu, bò hay gà nướng tẩm gia vị địa phương, thơm ngon, ăn với rau sà-lát. Giá sinh hoạt khá đắt, một phần ăn trưa là 50 shekel, ăn uống lặt vặt mấy thứ đặc sản khác dọc phố cổ, tính ra khoảng 50 đôla cho hai người.
Khi mọi người trong đoàn từ khắp nơi đã đến Tel-Aviv, xe đưa chúng tôi về Nazareth, nguyên quán của Giuse và Maria, nơi Giêsu sống thời tuổi thơ.
Nơi đây có đền thờ truyền tin, thờ kính Maria với hình ảnh mang sắc thái của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Đức Bà mặc áo dài. Buổi tối có rước kiệu và lần hạt mân côi, với một chục kinh bằng tiếng Việt. Gần đó có hội đường nơi Giêsu từng đến giảng đạo.
Sau đó chúng tôi về Bethelem là nơi Giêsu được sinh ra trong khó nghèo. Vùng này còn là đất của người Palestine. Lễ nửa đêm đón Giêsu Hài đồng ra đời do thượng phụ chủ tế và tổng thống Palestine Mahmoud Abbas có đến dự. Một số thành viên trong đoàn đã được hân hạnh bắt tay ông.
Ở Bethelem và Jerusalem chung sống với nhau là tín đồ của nhiều đạo: Thiên Chúa giáo, Chính thống giáo các nhánh khác nhau, Hồi giáo. Người Palestine bị chính quyền Do Thái giới hạn đi lại cũng như kiểm soát các sinh hoạt vì thế dịp lễ Giáng Sinh là cơ hội cho họ đem các ban nhạc, đội kèn trống của các trường học, tổ chức xã hội tôn giáo diễn hành trên đường phố. Họ như những người phải sống cả đời trong các trại tị nạn, không được ra khỏi bức tường ngăn cách, trong khi những vùng đất của Palestine ngày càng thu hẹp lại vì chính sách của Tel-Aviv cho xây thêm nhiều khu tái định cư để đem dân Do Thái đến sống.
Ở Bethelem đi thăm nơi Giêsu được sinh ra, chật chội nằm trong một đền thờ của Chính Thống giáo; thăm đền thờ Đức Mẹ sữa đã ban nhiều phép lạ cho người hiếm muộn con.
Hôm đi đến cánh đồng thiên thần, gặp hai sơ từ Việt Nam qua đây làm việc bác ái, nghe kể cũng gặp nhiều khó khăn vì ngôn ngữ, trước đây có sơ không hội nhập được nên nhà dòng phải đưa về. Các bạn trong đoàn bảo nhau quyên được một số tiền rồi trao cho sơ, góp phần giúp người nghèo ở Bethelem.
Vào thành Jerusalem, đoàn chúng tôi kính viếng nhiều nơi, từ đền Phêrô chối Chúa, ngục giam Giêsu một đêm trước khi phải vác thánh giá lên đồi Calvary. Tham dự thánh lễ và cầu nguyện ngay tại mộ Giêsu. Cầu nguyện tại Tường than khóc Wailing Wall, nay gọi là Western Wall.
Đến những nơi Giêsu đã làm phép lạ cho người mù được thấy, cho kẻ chết sống lại, cho môn đệ ra khơi bắt được nhiều cá, cho nước biến thành rượu trong một tiệc cưới ở thành Cana, mà trong đền thờ này nhiều anh chị em đã lập lại lời hứa ngày thành hôn. Đến nơi có câu “Kinh lạy Cha” bằng hàng trăm ngôn ngữ, là điều Giêsu đã để lại cho trần thế trước khi về trời.
Một hôm đi thăm thành phố cổ nhất thế giới là Jerico, có từ 8 nghìn năm qua, trên đường cũng thấy nhiều cây phượng. Vào tiệm bán đồ kỷ niệm có hình nón lá do một khách du lịch từ Việt Nam để lại. Trong tủ trưng bày đổ cổ có một bàn ủi than với hình con gà, một bếp dầu. Bỗng dưng nhớ về quê nhà vào những năm 1960.
Cuộc đời của Giêsu gắn liền với lịch sử Do Thái, như những di thảo bằng tiếng Hebrew tìm được ở Qumran nơi vùng Biển Chết vào năm 1947 – Dead Sea Scrolls – mà những nhà khảo cổ đã chứng minh được viết vào thời gian Giêsu đang sống.
Trong chuyến hành hương này, khi phải lần mò đi trong hầm tối theo hệ thống đường dẫn nước mà vua David đã đào là một trải nghiệm khó quên. Rất sợ vì dưới chân bì bõm nước đến ngang ống chân, đường hầm nhỏ hẹp, chỉ rộng hơn vai chút, còn chung quanh là bóng tối và vách đá cao hơn đầu một chút. Đoạn đường hầm dài hơn nửa kilomét mà tưởng như bất tận. Đã xuống phải lần mò tìm lối ra, cho đến khi thấy lại ánh sáng. Như con người chìm đắm trong bóng tối tội lỗi tìm ra được chân lý cứu độ.
Một sáng sớm chúng tôi thức dậy, đi đường thánh giá và cầu nguyện trong khi những con phố hẹp của Jerusalem chưa có người qua lại. Đi theo Via Dolorosa, ngừng lại từng chặng để đọc sinh và suy niệm, theo con đường ngày xưa Giêsu đã vác thánh giá lên núi Sọ chịu đóng đinh.
Đến Đất Thánh mới cảm nhận được lịch sử, được sờ vào những dấu tích những nơi Giêsu đã đi qua.
Điều tôi cảm thấy rất thực là mào gai mà những kẻ muốn hành hạ đã chụp lên đầu Giêsu. Loại cây gai đó ngày nay vẫn còn trồng ở đây, chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy gai nhọn còn tươi từ cây, được cắt cho một nhánh, kết thành vòng gai như trong những bức hoạ hay hình tượng đã ghi lại. Di vật này của thời Giêsu, được cho là còn tồn tại và lưu giữ trong nhà thờ Notre Dame de Paris và đã may mắn thoát cơn hỏa hoạn mới đây.
Một điều hết sức ngạc nhiên là nơi quê hương của những người từng sống lưu vong khắp nơi, những người Việt cùng cảnh ngộ đã được thấy cờ vàng ba sọc đỏ bên cạnh cờ Do Thái với sao David tung bay trong gió, đã được cùng nhau cất giọng: “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi…” và “Việt Nam hai câu nói bên vành nôi, Việt Nam nước tôi…” trên thuyền ở biển hồ Gallilê, rồi cùng với hai thuyền viên ca hát, nhảy múa theo những điệu dân ca Do Thái.
Hình ảnh cờ vàng cũng có trên hai tấm bia ghi lời dạy “Tám mối phúc thật” trong lối vào đền thờ trên núi nơi Giêsu từng rao giảng.
Do Thái đúng là Đất Thánh, nơi còn ghi lại biết bao nhiêu chứng tích của Giêsu, là lịch sử mà hàng trăm triệu Kitô hữu đều biết.
Nhưng đất nước này vẫn còn nhiều xung đột phải đối phó. Xung đột với người Palestine, với những quốc gia lân bang qua nhiều cuộc chiến quá khứ và liên tục sống trong đe doạ của chiến tranh.
Lúc ở Bethelem, là đất của Palestine, tôi có gửi qua đường bưu điện một bưu thiếp về nhà ở Hoa Kỳ, dán tem của State of Palestine, để làm kỉ niệm. Chờ cả hơn tháng không thấy, tưởng thất lạc nhưng đến hai tháng sau mới nhận được. Nhớ lời một người dân Palestine đã nói rằng, mọi thứ ở đây chính quyền Do Thái không cho chuyển qua Tel-Aviv mà phải qua Jordan.
Khi rời Tel-Aviv, trong hành lí gửi theo máy bay chúng tôi có đem về nhiều hình ảnh tôn giáo và hai chai bia, không còn nước, một của Do Thái và một của Palestine.
Về nhà, mở vali thấy mất hai chai bia. An ninh Do Thái đã tịch thu. Không hiểu tại sao.