Phần 2
Những câu chuyện mà tờ Đại Đoàn Kết gom lại để kể cách nay vài ngày: Một phụ nữ 50 tuổi ở Nam Định bị viêm gan nhưng bệnh viện không có thuốc nên dẫu sắp đến ngày sinh, cô con dâu vẫn phải lặn lội về Hà Nội tìm thuốc cho mẹ chồng. Hành trình của cô con dâu tìm thuốc trị viêm gan cho mẹ chồng gian nan và được ví von như như tìm.. . “thuốc trường sinh bất tử” trong các chuyện cổ tích. Hay một đứa trẻ bị suyễn mãn tính nhưng không tìm được thuốc cắt cơn, nửa đêm bé khó thở, cha mẹ phải đập cửa hàng xóm cầu cứu, may mà hàng xóm có người sẵn thuốc nên bé “tai qua, nạn khỏi” (1)... vốn đã kéo dài từ đầu năm ngoái đến giờ.
Năm ngoái, hệ thống truyền thông chính thức kể đủ thứ chuyện không thể tưởng tượng lại có thể xảy ra trong hệ thống y tế Việt Nam: Bệnh nhân cần phẫu thuật phải ra ngoài tìm mua... dao mổ, túi đựng nước tiểu (2). Bệnh viện thiếu cả chỉ khâu vết thương, thuốc tê, nhiều người cần mổ tim không được phẫu thuật vì thiếu thuốc chống đông máu,... Phẫu thuật phải hạn chế, chỉ thực hiện khi cần... cấp cứu. Hoặc bởi những ràng buộc về tổ chức đấu thầu, xét chọn thầu, dẫu biết làm như thế là tăng nguy cơ bị biến chứng nơi bệnh nhân, giảm chất lượng hoạt động của bệnh viện nhưng giới lãnh đạo bệnh viện vẫn phải chọn mua “loại dao mổ rạch ba lần mới đứt da” (3)...
Cho dù thực tế chứng minh những quy định, quy trình tưởng như chặt chẽ về đầu tư cho hạ tầng y tế, mua sắm dược phẩm, trang bị, thiết bị y khoa,... ấy không chỉ bất cập tới mức bất nhân mà còn thúc đẩy cả hệ thống từ trên xuống dưới, từ trái qua phải cùng nhau phạm pháp và không thể phân biệt được đâu là ngay tình, đâu là gian ý. Trường hợp đưa và nhận hối lộ khi thực hiện Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có liên quan đến Công ty Tiến bộ Quốc tế (AIC) như đã đề cập ở phần trước chỉ là một trong vô số ví dụ. Những vụ án liên quan đến hàng loạt cơ sở y tế và nhân viên y tế đã khiến các viên chức hữu trách trong lĩnh vực y tế... tỉnh ra. Hoạt động của hệ thống y tế chựng lại, rối như mớ bòng bong vì không có ranh giới để xác định đâu là làm trái vì bệnh nhân, vì sự nghiệp y tế, đâu là làm trái vì mình.
***
Tình trạng các cơ sở y tế thiếu hụt đủ thứ vì giới lãnh đạo không dám mua sắm do quy định, quy trình tạo ra những hàng rào mà mạo hiểm vượt qua thì không rõ sẽ phải lãnh nhận loại hậu quả nào đã xuất hiện từ những năm đầu của thập niên 2020 và sự thiếu hụt càng ngày càng trầm trọng sau khi hàng loạt thương vụ đầu tư, mua sắm trong lĩnh vực y tế trở thành... “đại án”. Bởi hậu quả càng ngày càng trầm trọng, tháng 12 năm 2021, Quốc hội Việt Nam tổ chức cho chính phủ điều trần để xem xét - thông qua một “nghị quyết” liên quan đến việc “cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế”. Nếu chịu khó đọc lại tường thuật về phiên điều trần ấy ắt sẽ thấy, tuy cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền đều biết quy định, quy trình phi lý, bất cập nhưng không có cá nhân nào ở bất kỳ bên nào muốn giải quyết hay biết cách giải quyết (4).
Ở phiên điều trần vừa đề cập, do chính phủ toan đẩy trách nhiệm giải quyết cho Quốc hội nên Chủ tịch Quốc hội thẳng tay vứt trả gánh nặng cho chính phủ và cật vấn: Tại sao Thủ tướng và chính phủ không sử dụng quyền Quốc hội đã trao? Thủ tướng và chính phủ phải quyết đoán (4)! Sau đó thì sao? Sau đó thì Thủ tướng và chính phủ tìm cách chất gánh nặng lên vai những cá nhân lãnh đạo các cơ sở y tế.
Cuối tuần trước, tại Hội nghị Triển khai công tác y tế năm 2023, Thủ tướng Việt Nam yêu cầu ngành y tế: Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, không để tiếp diễn tình trạng người bệnh phải “mua ngoài”. Khắc phục tâm lý sợ sai - “làm ít, sai ít - không làm, không sai” (5). Ngay sau đó, ông Chính gửi công điện: Yêu cầu Bộ Y tế và các bên có liên quan giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đủ thứ trong quý này, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm (6).
Song chẳng có gì bảo đảm tình trạng các cơ sở y tế thiếu đủ thứ sẽ chấm dứt. Những yêu cầu như Thủ tướng Việt Nam vừa nêu hồi cuối tuần trước vốn đã được ông ta nêu ra năm, bảy lần từ cuối 2021 đến nay. Thậm chí hồi giữa năm ngoái, do mức độ trầm trọng của tình trạng các cơ sở y tế thiếu đủ thứ càng lúc càng cao, ông Chính còn triệu tập họp khẩn cấp, đòi “ngành y tế tránh tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm” và “đề nghị các bộ ngành địa phương phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm để quyết liệt khắc phục tình trạng này, tất cả vì sức khoẻ, tính mạng của người dân” (7). Tuy nhiên mới đây, theo báo cáo chính thức của Bộ Y tế thì “những vướng mắc trong các văn bản pháp luật” vẫn còn nguyên (8) và rõ ràng các viên chức hữu trách trong lĩnh vực y tế chẳng dại gì... làm bừa trong khi Thủ tướng và chính phủ chỉ động viên... “đừng sợ sai” rồi bất động, không làm gì cả!
***
Nạn nhân của tình trạng các cơ sở y tế thiếu đủ thứ tất nhiên là dân chúng. Tình trạng này kéo dài không chỉ khiến những người chẳng may mắc bệnh chết mòn mà còn chết chùm. Xét cho đến cùng, sự khốn khổ ấy xuất hiện là vì các hệ thống từ chính trị đến công quyền không những bất tài, vô năng mà còn bất nhân. Trước nay, rừng quy định, quy trình vẫn được quảng bá như giải pháp nâng cao hiệt quả hoạt động của các hệ thống, chống lạm dụng công quỹ vừa vô tác dụng, vừa không ngăn ngừa được tham nhũng và khi rủi ro gia tăng, cơ hội “chấm mút” giảm xuống thì viên chức hữu trách trong lĩnh vực y tế nói riêng cũng như viên chức hữu trách trong các hệ thống đồng loạt “tọa sơn”, thản nhiên nhìn ngắm đồng loại và cũng là đồng bào vật lộn với khó khăn, quằn quại vì bệnh tật. Chẳng riêng lĩnh vực y tế, các lĩnh vực khác cũng vậy chứ không khá hơn.
Từ năm 2021 đến giờ, hiệu quả duy nhất mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đạt được thông các các cuộc họp, các hội nghị mang tính chất khẩn cấp, bất thường chỉ là giải quyết những cá nhân đã được đảng quy hoạch – sắp đặt để lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trên xuống dưới nhưng vì nhiều lý do không... xài được nữa. Còn những vấn nạn liên quan đến quốc kế, dân sinh thì vẫn thế - vẫn chỉ là những chỉ đạo, yêu cầu, cam kết chung chung chứ không đặt định được giải pháp nào cho ra hồn và tình trạng hệ thống y tế thiếu đủ thứ chỉ là một trong vô số ví dụ. Sẽ không thể có lối thoát khi đảng CSVN vẫn cương quyết giành giữ quyền sắp đặt nhân sự - bất kể đương sự tài, đức ra sao. Chẳng hạn trong lĩnh vực y tế, làm sao có thể buộc bà Đào Hồng Lan chịu trách nhiệm khi bà được... đảng phân công. Chính quy hoạch nhân sự tạo ra sự khốn khổ đúng... quy trình và có chết thì cũng vẫn là chết đúng... quy trình. Thứ quy trình biến công dân thành đối tưởng chỉ hưởng “quyền rơm” nhưng liên tục lãnh “vạ đá”!
Chú thích
(1) http://daidoanket.vn/khong-the-tram-dau-do-dau-nguoi-benh-5710713.html
(8) https://vietnamnet.vn/benh-vien-lon-dong-loat-keu-thieu-thiet-bi-bo-y-te-noi-gi-2113912.html
Diễn đàn