Đường dẫn truy cập

Từ chuyện Harvard, Upenn, MIT: Đại học trước áp lực chính trị


Viện Trưởng Harvard, Claudine Gay (trái) và viện trưởng UPenn, Liz Magill, tại buổi điều trần hôm 5 tháng 12, 2023.
Viện Trưởng Harvard, Claudine Gay (trái) và viện trưởng UPenn, Liz Magill, tại buổi điều trần hôm 5 tháng 12, 2023.

Đứng trên quan điểm pháp luật, cả ba bà viện trưởng đều có lý: Tất cả tùy hoàn cảnh. Nhưng cả ba đều không hiểu chính hoàn cảnh của họ khi ra điều trần trước một ủy ban của Hạ viện.

Trên thế giới, các đại học ở Mỹ thường được xếp vào hàng đầu. Câu chuyện sôi nổi về ba vị viện trưởng các trường Harvard, MIT, University of Pennsylvania bị áp lực đòi phải từ chức là một dịp suy nghĩ về vai trò đại học trong xã hội.

Cả ba vị viện trường đều là phụ nữ. Phụ nữ lãnh đạo 6 trong số 8 đại học lớn được gọi là “Ivy League,” trước khi bà Liz Magill, viện trưởng UPenn, từ chức. Các Đại học Columbia và Dartmouth mới bầu phụ nữ làm viện trưởng lần đầu tiên, năm ngoái. Chỉ còn hai Đại học Princeton và Yale do nam giới đứng đầu. Hiện nay trong số các viện trưởng đại học ở Mỹ, đàn ông nhiều gấp đôi đàn bà. Chỉ có một phụ nữ da đen trong số 10 vị viện trưởng, là bà Claudine Gay ở Harvard.

Nguyên nhân gây ra áp lực trên ba bà viện trưởng là cuộc chiến giữa Israel và chính quyền Hamas ở Giải Gaza. Sinh viên biểu tình tại hầu hết các đại học, chống bên này hoặc bên kia. Những cuộc biểu tình bị gán cho nhãn hiệu là “chống Do Thái” (antisemitism) hoặc “chống Á Rập” (anti-Arab) hay “chống Hồi Giáo” (anti-Muslim), có khi diễn ra cùng một lúc trong một ngôi trường. Các mạng truyền thông xã hội truyền đi các hình ảnh rất nhanh và rất rộng lớn gây không khí căng thẳng, thù nghịch và bất an.

Ba bà viện trưởng bị lôi cuốn vào cơn bão dư luận khi được mời ra điều trần trước Ủy ban Giáo dục Hạ viện (House Education and Workforce Committee). Dân biểu Elise Stefanik, Cộng Hòa, New York, đặt một câu hỏi cho mỗi bà về nhu cầu bảo vệ các sinh viên gốc Do Thái. Cụ thể là: “kêu gọi tiêu diệt dân tộc Do Thái (genocide of Jews) có trái ngược với quy tắc hành xử của nhà trường hay không?” Khi các bà viện trưởng trả lời không dứt khoát, bà Elise Stefanik đã nhắc đi nhắc lại câu hỏi đó để buộc họ phải nói rõ “có” hay “không.”

Khi đứng trước các dân biểu, cả ba bà viện trưởng đều tuyên bố họ phẫn nộ trước các luận điệu bài Do Thái và các hành vi này trong khuôn viên nhà trường vẫn bị ngăn cấm. Khi được hỏi họ có ủng hộ quyền lập quốc của nước Israel hay không, cả bà đều nói “có,” vô điều kiện. Chỉ khi nghe câu hỏi về hành động kỷ luật đối với các sinh viên nêu chủ trương “tiêu diệt người Do Thái,” ba bà đã không trả lời thẳng mà viện dẫn đến quyền tự do phát biểu.

Bà Elise Stefanik đã hỏi bà Elizabeth Magill: “Lời kêu gọi tiêu diệt dân Do Thái có vi phạm quy tắc hành sử của Đại học Pennsylvania không? Hãy trả lời có hay không!” Bà Magill trả lời, “Tùy theo hoàn cảnh. Nếu lời nói đó dẫn tới hành động, thì đó là một lời đe dọa (phải bị ngăn cấm).” Câu trả lời đã bị bà Stefanik coi là lảng tránh. Thống đốc Pennsylvania, Josh Shapiro, Dân Chủ, đã kết án rằng nói vậy là không thể chấp nhận được. Hơn 3,000 người gồm giáo sư, sinh viên và những người vẫn đóng góp tiền tặng nhà trường, đã ký kiến nghị yêu cầu bà Magill từ chức,. Hai nghị sĩ tiểu bang Pennsylvania cũng phản đối. Nghị sĩ Bob Casey nói, “Tự do phát biểu là một quyền căn bản, nhưng kêu gọi tiêu diệt dân Do Thái đúng là một hành động đe dọa!” Nghị sĩ John Fetterman, nói rằng bà Magill đã thất bại. Cả hai đều thuộc đảng Dân Chủ. Thứ Tư tuần trước, bà Magill đã xin lỗi về câu trả lời của mình, xác nhận ý kiến diệt chủng dân Do Thái là tàn bạo, độc ác, đáng kết án. Đến cuối tuần, bà nộp đơn từ chức viện trưởng và trách nhiệm chủ tọa hội đồng Đại học.

Sau khi Liz Magill từ chức, Dân biểu Elise Stefanik vui mừng viết trên mạng xã hội “X”: “Hạ một. Còn hai.” Dư luận chú ý đến Claudine Gay, viện trưởng Đại học Harvard. Khi được Dân biểu Elise Stefanik đặt câu hỏi tương tự như đã hỏi bà Magill, về “Lời kêu gọi tiêu diệt dân Do Thái,” bà Gay đã trả lời “Tùy theo hoàn cảnh lúc người ta hô hào.” Bà Stefanik ngắt lời, “Hoàn cảnh là thế nào?” Thí dụ, “nếu lời kêu gọi đó nhắm vào một cá nhân …”

Elise Stefanik đặt thêm câu hỏi nữa, bà Gay giải thích, “Nếu lời kêu gọi chống Do Thái dẫn tới các hành động như bắt nạt, đe dọa, gây chuyện khó khăn,…thì chúng tôi sẽ ngăn cấm.” Bà Stefanik lại hỏi: “Tức là bà đồng ý với tôi?” Bà Gay vẫn trả lời, “Còn tùy hoàn cảnh.” Bà Stefanik bắt bẻ: “Không tùy theo hoàn cảnh nào hết! Câu trả lời của bà không thể chấp thuận được. Đáng lẽ bà phải trả lời là ‘đồng ý!’ Cho nên bà phải từ chức!” Hôm sau, bà Gay đưa ra một bản tuyên bố, viết, “Kêu gọi tiêu diệt dân tộc Do Thái, cũng như bất cứ một sắc dân hay tôn giáo nào, là một tội ác, Đại học Harvard không chấp nhận, và những ai đe dọa an ninh của các sinh viên gốc Do Thái sẽ bị trừng phạt.”

Nhiều người vẫn không thỏa mãn trước những lời phân trần đó. Có 74 dân biểu đã ký bức thư yêu cầu các Đại học Harvard, UPenn và MIT cách chức các viện trưởng. Tỷ phú Bill Ackman, một cựu sinh viên vẫn góp tiền tặng trường, lên án bà Gay làm bại hoại uy tín của Đại học Harvard. Ông còn viết trên mạng X (trước đây gọi là Twitter) rằng bà Gay được bầu làm viện trưởng chỉ vì chính sách muốn có người da đen đóng vai trò lãnh đạo, theo bản tin NPR. Ackman đã tặng $26 triệu đô la cho Harvard năm 2014, đang cùng với Elon Musk kêu gọi cả ba bà viện trưởng từ chức.

Nhiều người ngạc nhiên tại sao các bà viện trưởng luôn nói đến “hoàn cảnh” mà không trả lời dứt khoát ngay, rằng họ không chấp nhận tinh thần bài Do Thái. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nói, “Đây là điều không thể tưởng tượng là cần phải nói ra: Tất cả các ý kiến diệt chủng đều đáng ghê tởm và đi ngược với lý tưởng của nước Mỹ.”

Nhưng tình trạng ba viện trưởng của các đại học lớn bậc nhất nước Mỹ bị áp lực bắt từ chức là điều hiếm khi xảy ra. Angus Johnston, giáo sư City University of New York, một sử gia chuyên nghiên cứu các phong trào sinh viên, đặt câu hỏi: “Nếu một vị viện trưởng nữa từ chức thì áp lực chính trị trên các đại học càng mạnh hơn,” theo bản tin NPR.

Bà Claudine Gay không rút lui và được nhiều người ủng hộ. Hội Cựu Sinh viên Harvard đã lên tiếng bênh vực bà trong bức thư gửi Hội Đồng Đại học: “Chúng tôi hoàn toàn tín nhiệm Viện trưởng Gay là người can đảm sẽ đối phó một cách hữu hiệu với phong trào bài Do Thái hay bất cứ ý kiến gây thù ghét nào khác,” theo Harvard Crimson. Tờ báo của sinh viên này, cũng cho biết 650 giáo sư Đại học Harvard ký kiến nghị yêu cầu giữ bà Gay trong chức viện trưởng. Họ nhấn mạnh rằng “không thể để cho các áp lực chính trị ra lệnh, trái ngược với tinh thần tự do nghiên cứu của các đại học.”

Bà Sally Kornbluth, gốc Do Thái, cũng bị Dân biểu Stefanik hỏi về các cuộc biểu tình chống Do Thái ở Đại học MIT, bà cũng trả lời “Tùy hoàn cảnh khi họ hô hào.” Hội đồng điều hành MIT đã lên tiếng bênh vực, tỏ ý tin tưởng vào khả năng lãnh đạo, phán đoán và tinh thần đạo đức của bà, để đối phó với phong trào bài Do Thái hay bài Hồi Giáo.

Đứng trên quan điểm pháp luật, cả ba bà viện trưởng đều có lý: Tất cả tùy hoàn cảnh. Nhưng cả ba đều không hiểu chính hoàn cảnh của họ khi ra điều trần trước một ủy ban của Hạ viện. Họ đã trả lời như các luật sư trước tòa án hay một giáo sư trong giảng đường, hoặc họ có thể viết như vậy trong các bài nghiên cứu trường ốc. Câu hỏi do các dân biểu nêu ra không phải nhắm vào một vấn đề lý thuyết mà một chuyện thực tế: Bảo đảm an ninh cho các sinh viên gốc Do Thái trong trường. Người lãnh đạo một đại học phải bảo vệ quyền tự do nghiên cứu, tự do phát biểu, nhưng cũng phải chống các ý tưởng thù hận, các lời lẽ đe dọa, bạo lực, và bảo đảm các sinh viên được an toàn.

Tuy nhiên, họ cũng phải bảo vệ quyền tự do của các đại học, không để các nhà chính trị can thiệp. Đó là lý do khiến hơn 700 giáo sư Đại học Harvard, một nửa trong tổng số giáo sư thực thụ, đã khuyến cáo bà Gay không từ chức. Một người khỏi xướng bức thư này là Melani Cammett, giáo sư Quan hệ Quốc tế, nói rằng, “Có những đại biểu quốc hội muốn ra lệnh cho đại học, điều này không thể chấp nhận được. Harvard cần đối phó trước vấn đề chia rẽ, nhưng không thể để cho bị áp lực từ bên ngoài.” Các đại học khác cũng chia sẻ mối quan tâm đó.

Đại học là môi trường của quyền tự do tìm tòi và tự do phát biểu nhưng gần đây đã bị lây bệnh của không khí chính trị nước Mỹ, bị chia rẽ với tinh thần phe đảng. Cho nên các vị viện trưởng như Sally Kornbluth, Claudine Gay cần vạch ra rằng họ không chấp nhận bạo lực, đe dọa và phá phách nhau trong khuôn viên nhà trường nhưng họ vẫn bảo vệ quyền tự do phát biểu, dù những điều nói ra không phù hợp với các giá trị hay lý tưởng của xã hội. Sally Kornbluth và Claudine Gay tỏ ra rất can đảm khi bảo vệ vai trò chính đáng của các đại học.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG