Đường dẫn truy cập

Tù binh Mỹ sau 50 năm tham gia Chiến tranh Việt Nam


Bốn cựu tù nhân chiến tranh Việt Nam nói chuyện tại buổi thảo luận kỷ niệm 50 năm ngày họ trở về Hoa Kỳ.
Bốn cựu tù nhân chiến tranh Việt Nam nói chuyện tại buổi thảo luận kỷ niệm 50 năm ngày họ trở về Hoa Kỳ.

Vào ngày 25/5, Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Richard Nixon đã tổ chức một buổi thảo luận mang chủ đề “Kiên Cường, Dũng Cảm và Niềm Tin: Hình Ảnh Tù Binh Chiến Tranh Việt Nam 50 Năm Sau” (Resilience, Fortitude and Faith: Vietnam War POWs Reflect 50 Years Later) với sự tham dự bốn cựu tù binh Mỹ tham gia Chiến tranh Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm ngày họ trở về Hoa Kỳ trong không khí trang nghiêm và nhiều cảm xúc. Có mặt tại buổi thảo luận có sự hiện diện của nhiều cựu chiến binh Việt Nam và các chính trị gia người Mỹ gốc Việt.

Bốn cựu tù binh Chiến tranh Việt Nam là Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ Everett Alvarez, Jr., Đại úy Hải quân Hoa Kỳ Jack Ensch, Trung tá Không quân Hoa Kỳ Tom Hanton, và Đại tá Không quân Hoa Kỳ Tom McNish.

Tại buổi thảo luận, những cựu tù binh đã chia sẻ những trải nghiệm kinh hoàng nhất, những kỷ niệm đau thương, và những kinh nghiệm sống sót khi họ bị giam cầm tại nhà tù Hoả Lò (hay còn được các cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam gọi là Hanoi Hilton) ở miền Bắc Việt Nam và đồng thời nói lên quan điểm của họ về 50 năm tự do vừa qua.

Họ đã kể lại những câu chuyện và những thách thức mà họ phải đối mặt trong thời gian bị giam cầm, bao gồm cả sự tra tấn về thể xác và tinh thần, cũng như mối quan hệ đồng đội và đức tin đã giúp họ chịu đựng và vượt qua. Họ đã suy nghĩ về những trải nghiệm trở về quê hương của họ và quãng thời gian làm tù binh đã định hình cuộc sống của họ như thế nào.

Trao đổi với đài VOA, bà Diedre Thu Hà Nguyễn, cựu Phó Thị trưởng Thành phố Garden Grove, California, nói rằng khi ngồi nghe bốn cựu tù binh Chiến tranh Việt Nam chia sẻ những gì họ đã trải qua và những hy sinh của họ thì bà đã học được bài học về sự gắn kết của đồng đội khi họ bị tù đày.

“Sự sống còn của một người là sự sống còn của tất cả. Đó là cái tôi học được từ bốn người đó,” Bà Thu Hà nói. “Thì cũng giống như cuộc sống hàng ngày của chúng ta là chúng ta giúp đỡ lẫn nhau để mà phát triển cùng với nhau. Đã hơn 50 năm rồi nhưng mà những người lính không bao giờ quên được họ là một người lính và tự hào là đã chiến đấu, phục vụ cho quốc gia.”

Bà Thu Hà cũng có thể liên hệ đến thân phụ của bà, từng là Thiếu tá Thuỷ quân Lục chiến của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Bà Thu Hà chia sẻ thân phụ của bà có rất nhiều người bạn đồng minh từng chiến đấu trong Chiến tranh Việt Nam và sau năm 1975, ông đã bị đưa ra ngoài miền Bắc và bị cầm tù.

“Những câu chuyện ông kể trong tù thì tôi nghĩ rằng những gì ông trải qua trong tù cộng sản giống như những cựu tù nhân chiến tranh Việt Nam cũng từng trải qua.”

Ông Ronnie Guyer, cựu Quân nhân Chiến tranh Việt Nam, đến tham dự buổi thảo luận và trao đổi với đài VOA rằng bốn cựu tù nhân Chiến tranh Việt Nam là những người Mỹ thực thụ. Ông nói thêm rằng những cựu tù nhân đó không phải trải qua những loại thông tin sai lệch được đưa ra từ báo chí đến với người dân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam khi mà truyền thông chỉ lặp lại một số nội dung mà đài phát thanh Hà Nội đã phát cho thế giới và không đính chính.

“Đó là cái mà tôi luôn cảm nhận thấy, nhưng tôi phải chiến đấu với điều đó để chống lại định kiến đó,” Ông Guyer nói. “Vì vậy, kể từ khi tôi trở về vào năm 1966, tôi đã đấu tranh cho sự minh bạch và tự do cho Việt Nam, và tự do của chúng ta ở Hoa Kỳ.”

Ông Wayne Scott, cựu Đại tá Không quân Hoa Kỳ, nói với đài VOA rằng những câu chuyện mà ông nghe trong buổi thảo luận rất tuyệt vời. Bản thân ông cũng đã từng phục vụ trong quân đội và biết nhiều cựu tù nhân chiến tranh nên ông rất vinh dự khi được tham dự buổi thảo luận này.

“Tôi rất vinh dự khi được nghe những câu chuyện của họ, nghe những gì họ đã chịu đựng, và họ lạc quan như thế nào khi bị ảnh hưởng bởi trải nghiệm đó,” Ông Scott nói. “Cũng như Hoa Kỳ và gia đình của họ quan trọng như thế nào đối với họ. Đó là một trải nghiệm cảm động.”

Ông Scott mong muốn thế hệ trẻ hiểu được thực tế khắc nghiệt của chiến tranh và tầm quan trọng của việc có một quốc gia đoàn kết vững chắc chống lại sự áp bức và chủ nghĩa toàn trị, những thứ đã dẫn đến chiến tranh Việt Nam.

“Và hy vọng họ sẽ hiểu được thế hệ tiếp theo phải đảm nhận vai trò bảo vệ tự do, công lý như người cựu chiến binh Việt Nam đã từng làm ở thế hệ của họ,”

Bà Amy Phan West, Nghị viên Thành phố Westminster, cũng có mặt tại buổi hội thảo và chia sẻ với đài VOA rằng buổi thảo luận này có ý nghĩa lớn đối với bà vì thân phụ của bà chiến đấu sát cánh cùng với những người lính Hoa Kỳ trong những ngày Sài Gòn sụp đổ. Sau đó ông cũng bị bắt giữ và bị tra tấn rồi được thả. Chính vì thế câu chuyện của những cựu tù nhân chiến tranh Việt Nam cũng giống như cha của bà.

“Tôi luôn nói với họ rằng tôi hiểu được nỗi đau của cha tôi cũng như của họ và họ sẽ không bao giờ bị cô đơn, Bởi vì tình anh em và sự gắn kết đã được hun đúc qua thời gian khắc nghiệt nhất từ cả hai phía. Người Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa. Do đó, mối ràng buộc giữa họ sẽ không bao giờ bị phá vỡ hoặc bị lấy đi. Vì vậy, tôi nghĩ điều đó khẳng định với họ rằng chúng ta cần hỗ trợ họ và họ hỗ trợ chúng ta là rất quan trọng.”

Bà Amy muốn thế hệ tiếp nối nhìn nhận cuộc chiến tranh Việt Nam là một sự đáng tiếc khi đã mất đi đất nước từ nền tự do cộng hòa của Việt Nam và hiện đang bị chiếm đoạt bởi một chế độ khác, nơi mà nó có nhiều hạn chế hơn.

“Khi chiến tranh Việt Nam xảy ra, chúng ta đều biết đó là lợi ích chính trị. Vì vậy, khi dính líu đến chính trị, họ không thực hiện đúng những gì họ đã hứa và cuộc sống tan vỡ hoặc bị giết chết. Và điều đó thật đáng tiếc.”

Trước đó, Thượng nghị sĩ Tom Carper của bang Delaware và Thượng nghị sĩ Jerry Moran của bang Kansas đã trình lên Quốc hội một nghị quyết thể hiện sự chấp thuận của Quốc hội cho lễ kỷ niệm 50 năm ngày các tù binh chiến tranh Hoa Kỳ từ Việt Nam trở về nhà và công nhận sự phục vụ và hy sinh phi thường của những tù nhân chiến tranh đó trong Chiến tranh Việt Nam.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG