Đường dẫn truy cập

TTg Phúc kêu gọi doanh nghiệp Úc ‘nhanh chân đến Việt Nam’


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại Canberra. Người đứng đầu chính phủ Việt Nam vừa kêu gọi các công ty của Úc "nhanh chân" đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại Canberra. Người đứng đầu chính phủ Việt Nam vừa kêu gọi các công ty của Úc "nhanh chân" đầu tư vào Việt Nam.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khuyên các nhà đầu tư của Australia “hãy nhanh chân đến Việt Nam và nhanh tay chọn lấy cho mình cơ hội kinh doanh đang rộng mở,” theo truyền thông trong nước.

Thủ tướng chính phủ Việt Nam nói như vậy trong một diễn đàn doanh nghiệp Việt-Úc ở Sydney hôm 16/3, nơi ông quảng bá “các cơ hội đầu tư tiềm năng lớn” tại Việt Nam.

Ông Phúc đang đi thăm chính thức Australia để dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt Úc-ASEAN.

Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam, và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Úc nhưng theo Thủ tướng Phúc, kim ngạch thương mại hai chiều còn khiêm tốn, chỉ đạt 6,5 tỷ USD vào năm ngoái.

“Tôi hy vọng sau hội nghị xúc tiến lần này, các bạn sẽ đến với chúng tôi. Bởi lẽ Việt Nam đang là một điểm đến đầy triển vọng,” VOV trích lời ông Phúc nói tại diễn đàn có sự tham dự của hơn 500 đại diện doanh nghiệp Úc.

Thủ tướng Phúc nói “còn nhiều doanh nghiệp thuộc Top 500 của thế giới là người Australia chưa đến Việt Nam” và ông kêu gọi “các nhà xúc tiến và cơ quan liên quan cần thúc đẩy để có tổng mức đầu tư lớn hơn.”

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhân cơ hội này nhấn mạnh đến những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đã đạt được, như mức tăng trưởng GDP đạt 6.81% năm 2017, và 7.41% trong quý đầu của năm nay.

Môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam cũng liên tục được cải thiện, theo ông Phúc, và điều này được thể hiện qua dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm ngoái – mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 9 năm ngoái cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam cải thiện đáng kể trong năm 2016. Việt Nam hiện đứng thứ 68 trên tổng số 190 quốc gia được WB khảo sát, tăng 14 bậc so với năm trước đó.

Tuy nhiên kinh tế gia Lê Đăng Doanh, cựu viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung Ương trong 1 cuộc phỏng vấn với VOA cho rằng còn nhiều vấn đề cản trở các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam. Theo Tiến sĩ Doanh, “còn nhiều thủ tục, còn gọi là điều kiện kinh doanh, và các thủ tục về giám sát kiểm tra còn chồng tréo và chưa hợp lý làm cho chi phí về thời gian và tiền bạc để kinh doanh ở Việt Nam vẫn đang còn cao.”

Một trong những bất cập lớn đang cản trở môi trường kinh doanh tại Việt Nam mà nhà kinh tế nhắc tới là các “chi phí ngoài pháp luật” mà các doanh nghiệp phải trả để ‘bôi trơn.’

Theo khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, khoảng 66% doanh nghiệp tại Việt Nam phải trả phí ‘bôi trơn’ cho quan chức địa phương. Theo báo cáo này, chi phí không chính thức của doanh nghiệp giai đoạn 2014-2016 không có dấu hiệu cải thiện, thậm chí có xu hướng tiêu cực hơn so với giai đoạn 2008-2013.

Tham nhũng được coi là một vấn nạn khó giải quyết ở Việt Nam với hàng chục ‘đại án’ đang được mang ra xét xử trong đó nhiều quan chức nhà nước đã vi phạm luật lệ và làm thất thoát hàng nghìn tỷ tiền đóng thuế của người dân.

Trong khi đó, cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lan từ ngành dầu khí và ngân hàng sang ngành công an.

Theo chỉ số tham nhũng của Transparency International, Việt Nam đứng thứ 113 trên 176 quốc gia được khảo sát.

VOA Express

XS
SM
MD
LG