Đường dẫn truy cập

TT Trump tìm cách giảm cuồng phong chính trị sau cuộc họp với Putin


Tổng thống Trump nói với các phóng viên báo chí ở Tòa Bạch Ốc hôm 17/7/2018 rằng ông đã nói nhầm từ ‘đã’ thay vì ‘đã không’.
Tổng thống Trump nói với các phóng viên báo chí ở Tòa Bạch Ốc hôm 17/7/2018 rằng ông đã nói nhầm từ ‘đã’ thay vì ‘đã không’.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách hạ giảm trận cuồng phong chính trị đánh vào thất bại của ông không buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin chịu trách nhiệm đã phá hoại cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ. Tổng thống Trump phát biểu rằng ông đã nói nhầm tại cuộc họp báo chung ở Helsinki.

Ông Trump đã khiến cả thế giới sững sốt hôm thứ Hai khi ông cố tránh chỉ trích nhà lãnh đạo Nga về các hành động của Moscow phá cuộc bầu cử của Mỹ, và lại tỏ ra nghi ngờ các cơ quan tình báo Mỹ. Một số nhà lập pháp Mỹ đã ngay lập tức kêu gọi phải có thêm các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Nga và có thêm các hành động đối với Moscow.

Khoảng hơn 24 giờ sau khi xuất hiện cùng với ông Putin ở Helsinki, Tổng thống Trump đã nói với các phóng viên báo chí ở Tòa Bạch Ốc rằng: “Tôi đã nói nhầm từ ‘đã’ thay vì ‘đã không’, và có ý nói là ‘không có lý do gì mà Nga đã không can thiệp’ chứ không phải là "không có lý do gì mà Nga đã can thiệp".

Cuộc thăm dò ý kiến của Reuters và Ipsos thực hiện sau cuộc họp báo với ông Putin cho thấy 55% cử tri Mỹ không đồng tình với cách Tổng thống Trump quan hệ với Nga, trong khi 37% ủng hộ.

Tổng thống Trump có cơ hội công khai phản đối ông Putin tại cuộc họp báo ở Helsinki, nhưng thay vào đó, ông đã ca ngợi nhà lãnh đạo Nga về sự phủ nhận “mạnh mẽ và kiên quyết” kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ là nhà nước Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.

Đứng bên cạnh ông Putin ở Helsinki, Tổng thống Trump nói với các phóng viên báo chí rằng ông không tin rằng Moscow làm việc đó. Ông nói "Tôi không thấy lý do tại sao phải như vậy.”

Mặc dù phải đối mặt với áp lực lớn từ những người chỉ trích, các nước đồng minh và thậm chí cả nhân viên của mình đòi ông phải có một thái độ cứng rắn, Tổng thống Trump không có một lời nói bất bình công khai nào đối với Moscow về bất kỳ vấn đề nào đã đẩy mối quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh lạnh.

Các đại biểu của cả Đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ cáo buộc ông đứng về phía đối thủ hơn là quốc gia của mình.

Mặc dù có một cuộc phỏng vấn trên truyền hình và nhiều thông tin đăng lên Twitter, ông Trump đã không đính chính phát biểu “nhầm” của ông mãi cho đến 27 giờ sau đó. Trong phát biểu hôm thứ Ba mà chủ yếu là đọc từ một bản văn đã viết sẵn, ôngTrump nói ông hoàn toàn tin tưởng vào các cơ quan tình báo Mỹ và đồng ý với các kết luận của họ.

Sau đó, ông thôi nhìn vào phát biểu đã soạn sẵn và chuyển sang nói về ai đã can thiệp bầu cử Mỹ rằng: “Cũng có thể là những người khác. Có rất nhiều đối tượng khả nghi.”

Cách chữa nhầm của Tổng thống Trump đã không dập tắt được những tranh cãi. Các đảng viên Dân chủ bác bỏ tuyên bố của ông Trump và gọi đó là nỗ lực cứu vãn thiệt hại chính trị.

Ông Adam Schiff, ủy viên kỳ cựu của đảng Dân chủ trong Ủy ban tình báo Hạ viện, nói: "Đó là một thực tế rõ ràng. Cách làm đó là một nỗ lực để sửa lại những tại hại ông gây ra ngày hôm qua. Những tai hại đó quá lớn không thể sửa chữa bằng một tuyên bố ngắn."

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo khối Dân chủ ở Thượng viện nói rằng những phát biểu của ông Trump hôm thứ ba là một dấu hiệu của sự yếu đuối, đặc biệt là tuyên bố “có thể là những người khác" đã phá cuộc bầu cử Mỹ.

Ông Schumer nói ở Thượng viện: “Ông ấy đã đưa ra một tuyên bố khủng khiếp, cố gắng cứu vãn, nhưng không thể quay ngược lại được. Nó cho thấy Tổng thống Trump yếu đuối, không thể trực tiếp đối mặt với ông Putin."

Bão tố chính trị từ cách làm của ông Trump ở Helsinki đã bao trùm lên chính quyền của ông và lan sang các đảng viên Cộng hòa, che phủ hầu hết những tranh cãi thường xuyên nổ ra trong suốt 18 tháng cầm quyền của Trump.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo khối đa số Thượng viện, nói với các phóng viên rằng Nga không phải là một người bạn của Hoa Kỳ và cảnh báo rằng Nga có thể sẽ lập lại hành động phá hoại đó trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ vào tháng 11.

"Có rất nhiều người trong chúng ta hoàn toàn hiểu những gì đã xảy ra trong năm 2016, và tốt hơn là điều đó sẽ không xảy ra một lần nữa vào năm 2018," ông McConnell nói.

Một số nhà lập pháp cho biết họ sẽ đề xuất các biện pháp chống lại Nga.

Một số thượng nghị sĩ của cả hai đảng ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga. Ông McConnell và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, nói họ sẽ xem xét thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

VOA Express

XS
SM
MD
LG