Đường dẫn truy cập

TT Trump: Mỹ sẽ xét lại Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga


TT Mỹ Donald Trump trò chuyện với báo chí ở thủ đô Washington, DC, ngày 21/5/2020. - Ông nói Hoa Kỳ sẽ rút ra khỏi hiệp ước 'Bầu trời mở' với Nga,
TT Mỹ Donald Trump trò chuyện với báo chí ở thủ đô Washington, DC, ngày 21/5/2020. - Ông nói Hoa Kỳ sẽ rút ra khỏi hiệp ước 'Bầu trời mở' với Nga,

Tổng Thống Donald Trump hôm thứ 21/5 nói rằng các hành vi vi phạm của Nga là nguyên nhân khiến Hoa Kỳ không thể ở lại một hiệp ước cho phép hơn 30 quốc gia thực hiện các chuyến bay quan sát trên lãnh thổ của nhau, tuy nhiên ông ra dấu hiệu cho thấy là Hoa Kỳ có thể xem xét lại quyết định rút lui khỏi hiệp ước này.

TT Trump ra thông báo giữa lúc Mỹ bắt đầu các cuộc đàm phán về vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân mới với Kremlin nhằm thay thế một hiệp ước vũ khí sắp hết hạn bằng một hiệp định ba bên hiện đại có khả năng thuyết phục Trung Quốc tham gia. Các quan chức chính quyền cấp cao cho biết việc TT Trump sẵn sàng rút ra khỏi Hiệp ước ‘Bầu trời mở’ _Open Skies, do Hoa Kỳ thực hiện là bằng chứng cho thấy giám sát và thực thi kiểm soát vũ khí sẽ quan trọng như thế nào trong các cuộc đàm phán mới.

Hiệp ước ‘Bầu trời Mở’ có hiệu lực năm 2002, cho phép các quốc gia thành viên thực hiện các chuyến bay giám sát ngắn, không vũ trang, trên lãnh thổ các nước thành viên khác để thu thập dữ liệu về các lực lượng và hoạt động quân sự.

Hiện 35 nước, trong đó có Nga, Mỹ và một số nước thành viên khác của Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã ký tên vào hiệp ước. Kyrgyzstan đã ký nhưng chưa phê chuẩn. Năm ngoái, Washington đã rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân tầm trung với Moscow.

Chính quyền TT Trump đã thông báo cho các thành viên khác trong hiệp ước rằng Hoa Kỳ có kế hoạch rút ra trong sáu tháng - tức là sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ- vì Nga đang vi phạm hiệp ước.

Dự kiến thông báo của Hoa Kỳ cho biết đự định của Mỹ rút ra khỏi hiệp ước sẽ làm phật lòng một số dân biểu và nghị sĩ ở Quốc hội, cũng như các đồng minh châu Âu, vốn được hưởng lợi từ hình ảnh được thu thập bởi các chuyến bay của Open Skies do Hoa Kỳ thực hiện.

Phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric nói chấm dứt các thỏa thuận như vậy mà không có bất cứ gì để thay thế có thể dẫn đến các hoạt động gây bất ổn, chẳng hạn như một cuộc chạy đua vũ trang mới có nguy cơ dẫn đến tính toán sai lầm.

Tại Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko chỉ trích quyết định của Hoa Kỳ.

“Lập trường của chúng tôi hoàn toàn rõ ràng và trước sau như một: Việc Mỹ rút ra khỏi hiệp ước này sẽ giáng thêm một đòn mạnh nữa vào hệ thống an ninh quân sự ở châu Âu vốn đã suy yếu vì các động thái trước đây của chính quyền Mỹ”, ông Grushko nói với Tass, hãng thông tấn nhà nước Nga.

Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, Robert O’Brien, nói Tổng thống Trump khẳng định rõ rệt rằng Hoa Kỳ sẽ không tham gia bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào đã bị các bên khác vi phạm và không còn phục vụ các lợi ích của Mỹ. Ông lưu ý rằng chính các vi phạm của Nga đã khiến Tổng Thống Trump rút ra khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân năm 1987 với Nga hồi năm ngoái.

Hiệp ước quốc tế đó có chữ ký của Tổng thống Ronald Reagan và lãnh tụ Liên Xô Mikhail Gorbachev, cấm việc sản xuất, thử nghiệm và triển khai các tên lửa hành trình tầm trung trên đất liền và tên lửa đạn đạo với tầm phóng từ 500 đến 5.500 km (310 đến 3.410 dặm).

Hiệp ước START mới sẽ hết hạn vào tháng 2, ngay sau lễ nhậm chức của Tổng Thống Mỹ kế tiếp. Giờ nó là hiệp ước duy nhất còn lại hạn chế kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga. Nó áp đặt các giới hạn về số lượng đầu đạn hạt nhân và bệ phóng hạt nhân tầm xa của Mỹ và Nga. Nga đã đề nghị gia hạn hiệp ước, nhưng Tổng Thống Trump đang nuôi hy vọng đàm phán để đạt được thỏa thuận ba bên với Nga và Trung Quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG