Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ Năm đã đánh đi thông điệp về tình đoàn kết vững bền và sự hợp tác của Hoa Kỳ với các nước chủ yếu ở Châu Âu, ông nhấn mạnh với nhân dân Đức và công dân của tất cả các nước Âu châu khác rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tích cực tham gia và tương tác với thế giới.
Nhà lãnh đạo Mỹ đã chọn Đức làm chặng dừng chân chính trong chuyến công du ra nước ngoài cuối cùng của ông trong cương vị Tổng thống. Đức là nền kinh tế hàng đầu của Châu Âu và là nước đối tác thương mại của Hoa Kỳ, đồng thời cũng là một thành viên quan trọng trong liên minh NATO, và là nước chủ nhà nơi đóng quân của hàng ngàn binh sĩ Mỹ.
Giới quan sát cũng tin rằng nhà lãnh đạo Đức, Thủ tướng Angela Merkel, có thể xuất hiện như tiếng nói nổi bật nhất bảo vệ lý tưởng tự do trong một khu vực nơi mà các phong trào dân tộc chủ nghĩa đang ngày càng mạnh mẽ hơn.
Chuyến đi nước ngoài cuối cùng này đánh dấu lần thứ 6 Tổng thống Obama đến thăm nước Đức. Ông đến Berlin hôm qua, thứ Tư 16/11, sau khi gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tái khẳng định sự cam kết của Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác và sát cánh với Châu Âu.
Trước khi Tổng thống Obama đặt chân tới Đức, tuần báo doanh nghiệp WirtschaftsWoche của Đức trích dẫn bài xã luận mà Tổng thống Mỹ viết chung với Thủ tướng Merkel, trong đó hai nhà lãnh đạo khẳng định:
“Sẽ không có chuyện quay trở lại với một thế giới trước toàn cầu hoá. Các giá trị dân chủ, công bằng và tự do là nền tảng của các nền kinh tế rất thành công của chúng ta. Chúng ta có nghĩa vụ đối với các nền công nghiệp và nhân dân của chúng ta, và vâng, với cả cộng đồng thế giới, phải nới rộng và đào sâu hợp tác.”
Thông điệp của ông Obama là nhằm trấn an giới lãnh đạo Âu Châu đang lo lắng về xu hướng cô lập hoá của Hoa Kỳ được thể hiện qua những lời phát biểu của Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử của ông này.
Ông Trump đặt nghi vấn về sự phù hợp của liên minh NATO, ông ca tụng quyết định của Anh quốc rút ra khỏi Liên hiệp Âu châu, đồng thời chỉ trích chính sách của Thủ tướng Đức Angela Merkel chấp nhận hàng trăm ngàn người di dân, đa số là người Hồi giáo vào lãnh thổ Châu Âu.
Giới phân tích nói việc bà Merkel kêu gọi các nước Âu Châu phải nhận người tỵ nạn theo hạn ngạch phân bổ của EU đã châm ngòi cho các phong trào dân tộc chủ nghĩa trên khắp lục địa này, kể cả tại nước Đức, và đó cũng là một nhân tố chủ yếu dẫn tới quyết định của cử tri Anh biểu quyết rời khỏi khối EU.
Tổng thống Obama đã gặp Thủ tướng Merkel không lâu sau khi tới Berlin hôm thứ Tư, và theo lịch trình, hai nhà lãnh đạo lại sắp sửa gặp nhau vào chiều tối hôm nay, thứ Năm 17/11.
Chặng dừng chân đầu tiên của nhà lãnh đạo Mỹ trong chuyến công du ra nước ngoài cuối cùng của ông là Hy Lạp. Tại đây ông Obama đã đọc một bài diễn văn ngày hôm qua, tái khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ cổ vũ cho dân chủ trên thế giới. Trước đó ông tham quan di tích cổ Acropolis của thủ đô Athens, một biểu tượng của nền dân chủ Tây phương.
Ông ca ngợi nhân dân Hy Lạp về sự nhân đạo của họ trong khi ứng phó với làn sóng người di dân tràn vào nước này, bất chấp người dân Hy Lạp đang chật vật xoay sở với khó khăn kinh tế vì cuộc khủng hoảng nợ nần của nước này.
Hôm thứ Sáu, Tổng thống Obama đã gặp lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha trước khi lên đường sang Peru để dự hội nghị APEC, tức Diễn đàn Hợp tác Á Châu-Thái Bình Dương.