Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã chúc mừng Tổng thống tân cử Indonesia, ông Joko Widodo về cuộc bầu cử “tự do và công bằng” và trông đợi sẽ tăng cường bang giao song phương với Jakarta.
Qua đường điện thoại, ông Obama đã bày tỏ hậu thuẫn Hoa Kỳ dành cho tính khả tín trong cuộc bầu cử ngày 9 tháng 7 và vai trò cấp thiết mà Indonesia có thể đóng trong chính sách “tái quân bình” qua vùng châu Á Thái Bình Dương của Chính quyền Obama. Thông tín viên VOA Victor Beattie tại thủ đô Washington ghi nhận chi tiết.
Tổng thống Obama tuyên bố kết quả bầu cử, trong đó ông Joko Widodo thắng cựu tướng lãnh quân đội Prabowo Subianto với tỷ lệ cách biệt 6%, tức là khoảng 8 triệu phiếu, cho thấy sự cam kết của dân chúng Indonesia đối với nền dân chủ.
Ông Peter McCawley, một chuyên gia lâu năm trong Dự án Indonesia của trường Ðại học Quốc gia Australia, nói rằng mặc dầu ông Prabowo có ý định phản đối kết quả bầu cử, tuyên bố của ông Obama là một hình thức ủng hộ kết quả ấy.
Ông McCawley nói: “Chắc chắn cuộc bầu cử không phải là trong sạch 100%. Ðã có tin về những hành vi sai trái, về việc thao túng từ cả hai phía. Chúng ta cần phải nhấn mạnh điều đó, từ cả hai phía.
Theo các tiêu chuẩn quốc tế, thì cuộc bầu cử tốt đẹp một cách bất ngờ. Giới hữu trách bầu cử ở Indonesia tổ chức chặt chẽ, cuộc kiểm phiếu được tổ chức kỹ lưỡng, và các thùng phiếu được bảo vệ. Có một vài tranh chấp về các phiếu bầu ở một vài nơi tại Indonesia, nhưng các quan sát viên giỏi nhất nói rằng mọi sơ suất trong hệ thống đều không đáng kể. Và điều chắc chắn là các sơ suất này không gây phương hại cho kết quả tổng thể.”
Tổng thống Hoa Kỳ tái khẳng định tầm quan trọng của “mối quan hệ hợp tác và chặt chẽ với Indonesia,” trong đó có chương trình Ðối tác Toàn diện giữa hai nước. Ông Obama nói ông trông đợi hội kiến ông Joko Widodo, còn được gọi là Jokowi, và thảo luận với ông để tăng cường quan hệ và thúc đẩy các mục tiêu chung.
Cơ hội gặp gỡ đầu tiên giữa hai ông có thể là tại Myanmar, tức Miến Ðiện, tại hội nghị thượng đỉnh Ðông Á, vào tháng 11 tới đây. Tổng thống tân cử Joko Widodo sẽ tuyên thệ nhậm chức vào tháng 10.
Ðối tác Toàn diện Mỹ-Indonesia chính thức khởi động trong chuyến thăm Jakarta của ông Obama hồi tháng 11 năm 2010, và tập trung vào năng lượng, an ninh, thương mại và đầu tư, dân chủ, xã hội dân sự, giáo dục và khí hậu cùng các vấn đề môi trường. Theo ông McCawley, trong mọi lãnh vực, mối quan hệ rất tốt đẹp, mặc dầu có những bất đồng.
Ông McCawley cho biết: “Có một vài quan ngại, ngay lúc này, đối với một số chính sách về phía Indonesia về việc kiểm soát đầu tư nước ngoài. Nhưng đây là hình thức giằng co bình thường trong các vấn đề đầu tư và thương mại giữa nhiều nước và, cũng trong lãnh vực đó, mối quan hệ hiện thời là một mối quan hệ bền chặt và tốt đẹp. Dĩ nhiên, có vấn đề hiện nay là liệu một tổng thống mới có đưa ra những thay đổi về chính sách hay không. Nhưng không có dấu hiệu nào là tân tổng thống có thể làm điều gì khác ngoài việc tiếp tục mối quan hệ này.”
Ông Obama đã tìm cách nuôi dưỡng một mối bang giao chặt chẽ hơn với Tổng thống đương nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono, trong khuôn khổ chính sách tái quân bình qua vùng châu Á Thái Bình Dương. Chuyên gia phân tích của trường Ðại học Quốc gia Australia Greg Fealy cho rằng Indonesia là một phần quan trọng trong chính sách tái quân bình của Hoa Kỳ vì vị trí chiến lược của Indonesia.
Ông Fealy nhận định rằng: “Ðây là quốc gia bán đảo lớn nhất thế giới và nằm vắt ngang qua nhiều tuyến đường biển quan trọng giữa Ấn Ðộ Dương và Thái Bình Dương và các tuyến đường thương mại quan trọng, và dĩ nhiên là các tuyến đường quân sự. Indonesia còn quan trọng trong tư thế là nước chủ yếu của Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á, tức ASEAN. Do đó, điều rất quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở Ðông nam châu Á là được Indonesia hỗ trợ cho các chương trình của Hoa Kỳ, và điều đó đem lại một cơ may tốt hơn là các quốc gia trong khu vực cũng sẽ hợp tác với Hoa Kỳ.”
Bản phúc trình về nhân quyền năm 2013 của Hoa Kỳ đã chỉ trích Indonesia là không tiến hành các cuộc điều tra minh bạch và khả tín về những cáo buộc giết người phi pháp của lực lượng an ninh, và bày tỏ sự quan ngại về việc thiếu sự bảo vệ dành cho các quyền lợi của các nhóm thiểu số xã hội và tôn giáo. Ông Fealey nói thành tích nhân quyền của nước này ắt hẳn sẽ được cải thiện dưới sự lãnh đạo của ông Jokowi.
Ông Fealey nói: “Ông có xu hướng rất đa nguyên. Chúng ta biết rằng ông được đại đa số phiếu của các thành phần không phải là Hồi giáo trong dân chúng, khoảng 13% dân số, và điều đó cho thấy các khối thiểu số tôn giáo tín nhiệm ông.”
Ông Fealy nói ông Jokowi đã từng có thành tích định hướng kinh tế khi ông làm đô trưởng Jakarta, và thị trưởng một thành phố chính ở trung bộ Java, và ông biết rằng thành quả của chính quyền sắp tới của ông sẽ là duy trì tăng trưởng kinh tế. Ðiều đó có nghĩa là ông sẽ muốn tối ưu hóa các cơ hội đầu tư và thương mại với những quốc gia như Hoa Kỳ.