Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiếm được nhiều cảm tình của các cư dân mạng hơn so với ông Nguyễn Phú Trọng, trong khi cuộc đua giành chức tổng bí thư giữa hai nhân vật hàng đầu này được coi là sẽ “gay cấn đến phút chót”.
Trong một cuộc thăm dò ý kiến của độc giả trên trang web cũng như mạng xã hội của VOA tiếng Việt, ông Dũng giành được đa số đề cử.
Tính tới đầu giờ tối ngày 19/1 (giờ Việt Nam), trả lời câu hỏi, “ai sẽ là Tân tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam?” trên trang voatiengviet.com, hơn 65% trong số gần 2500 người trả lời cho biết chọn người đứng đầu chính phủ Việt Nam hiện thời, trong khi đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận được 25% số phiếu.
Trong một cuộc thăm dò tương tự trên trang Facebook của VOA tiếng Việt, con số người ủng hộ ông Dũng lên tới 74%.
Ngoài ra, so sánh các trang mạng không rõ nguồn gốc, “ăn” theo tên ông Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng thì trang liên quan tới người lãnh đạo chính phủ Việt Nam được truy cập và thu hút sự quan tâm nhiều hơn hẳn.
Về chính sách đối nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhìn chung được đánh giá là, mặc dù có những sai lầm và sự cố trong việc điều hành nền kinh tế...nhiều người nhìn ông là con người dám hành động, và sẵn sàng cải cách nhiều hơn so với một số các nhà lãnh đạo khác, bảo thủ hơn...về mặt đối ngoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dường như có những phát biểu, những hành động thể hiện cái tinh thần dân tộc, chủ nghĩa dân tộc và đặc biệt là có sự thẳng thắn phê phán Trung Quốc trong một số trường hợp.Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS Singapore, nhận định.
Theo trang web xếp hạng Alexa thuộc công ty bán hàng trực tuyến Amazon, trang nguyentandung.org hiện đứng thứ 19 với hàng nghìn lượt truy cập cùng lúc, trong khi website nguyenphutrong.net đứng thứ 8.538 ở Việt Nam chỉ với hàng chục lượt người trên trang này cùng một thời điểm.
Khi được hỏi lý do vì sao mà nhiều người Việt Nam lại đặt lòng tin vào ông Dũng, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore, nhận định:
“Về mặt chính sách đối nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhìn chung được đánh giá là, mặc dù có những sai lầm và sự cố trong việc điều hành nền kinh tế, đặc biệt là quản lý các doanh nghiệp nhà nước, nhiều người nhìn ông là con người dám hành động, và sẵn sàng cải cách nhiều hơn so với một số các nhà lãnh đạo khác, bảo thủ hơn. Tất nhiên ông có những sai lầm, nhưng một phần bắt nguồn từ việc ông dám hành động, dám đưa ra các quyết định để mà thúc đẩy Việt Nam đi lên. Cái thứ hai, về mặt đối ngoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dường như có những phát biểu, những hành động thể hiện cái tinh thần dân tộc, chủ nghĩa dân tộc và đặc biệt là có sự thẳng thắn phê phán Trung Quốc trong một số trường hợp. Và yếu tố thứ ba, tôi nghĩ rằng nếu như xét tổng thể trong dàn lãnh đạo hiện tại, thì sự ủng hộ của người dân đối với thủ tướng Dũng không phải là sự lựa chọn hoàn hảo. Tuy nhiên, nếu mà so với các lựa chọn khác thì có thể họ nhận thấy vẫn khả dĩ hơn trong bối cảnh hiện nay.”
Trong khi các cư dân mạng đang có nhiều đồn đoán về “cuộc đấu đá giữa hai phe thân Trung Quốc và thân phương Tây” cũng như người sẽ lên lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trong 5 năm tới, ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, kêu gọi người dân “không nên căn cứ thông tin mạng để suy diễn “tứ trụ”.
Ông Tuấn nói trong một cuộc họp báo hôm 18/1: “Chúng ta không nên căn cứ thông tin trên mạng để suy diễn về công tác nhân sự của Đại hội XII. Vì công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XII đã được thực hiện dân chủ, nghiêm túc, đúng quy trình và đúng quy định của Đảng. Việc nhân sự ban chấp hành Trung ương, các vị trí chủ chốt, các vị trí quan trọng sẽ được công bố khi có kết quả bầu cử theo đúng quy định của Đại hội”.
Đại hội đảng lần thứ 12 dự kiến sẽ khai mạc vào ngày mai, 20/1 và sẽ kéo dài cho tới ngày 28/1 ở Hà Nội, với sự tham gia của hơn một nghìn đại biểu.
Cũng giống như một số nhà quan sát, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp đồng ý với quan điểm cho rằng “cuộc đua vào chức Tổng bí thư sẽ gay cấn đến phút chót”. Ông nói với VOA Việt Ngữ:
“Sau hội nghị 14, nhiều người cho rằng kết quả đã được an bài, và sẽ không có bất ngờ ở phút cuối, vì một nguyên nhân chính. Nhiều người chỉ ra rằng cái quyết định 244, tháng Sáu năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quy định rằng các ủy viên trung ương hiện tại, nếu mà không có sự hậu thuẫn, không có sự đồng ý của Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương hiện tại thì sẽ không được tự ứng cử hay nhận đề cử từ đại hội. Người ta cho rằng như vậy là, cơ hội, đặc biệt đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, không còn nữa. Tuy nhiên, điều lệ đảng quy định rằng đại hội là cơ quan tối cao của đảng Cộng sản Việt Nam, và như vậy đại hội sẽ có quyền quyết định quy trình bầu cử. Nếu coi điều lệ đảng là hiến pháp của đảng, thì ở một nghĩa nào đấy, quyết định 244 có thể gọi là mang tính chất vi hiến. Có một khả năng là đại hội có thể quyết định ngược lại quyết định 244 đấy và có thể vẫn cho phép các đại biểu họ đề cử những người ngoài danh sách đã được ban chấp hành trung ương khóa cũ và bộ chính trị khóa cũ đã thông qua. Và như vậy, nếu mà thực sự điều đấy đó xảy ra thì chúng ta thấy rằng kết quả vẫn còn bỏ ngỏ. Chúng ta vẫn phải chờ tới ngày cuối cùng của đại hội để biết được kết quả cuối cùng.”
Trong một diễn biến khác liên quan tới Đại hội đảng, hôm nay, tổ chức thúc đẩy nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở ở New York đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam nhân dịp đại hội lần này “ra tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử tự do và công bằng để bầu ra các nhà lãnh đạo đất nước”.
Ngoài ra, tổ chức từng bị Hà Nội chỉ trích này cũng kêu gọi các nhà tài trợ cho Việt Nam “thúc đẩy bầu cử đa nguyên ở Việt Nam để chấm dứt nền cai trị độc đảng”.
“Sau nhiều thập kỷ do chế độ độc đảng cầm quyền, đã đến lúc chấm dứt tình trạng để một nhóm nhỏ quan chức đảng cộng sản quyết định tương lai của hơn 90 triệu người dân Việt Nam,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Việt Nam cũng nên tuân thủ những cam kết pháp lý quốc tế và cho phép người dân được bầu cử, thay vì để đảng cầm quyền chọn lựa thêm một lần nữa”.