Chuyến thăm Nam Triều Tiên của phái đoàn Bắc Triều Tiên cấp cao nhất từ 5 năm nay đang làm nẩy sinh niềm hy vọng về một sự tan băng trong quan hệ lạnh giá đã bao trùm bán đảo bị chia cắt này mấy chục năm. Trong số những người bày tỏ ước muốn đó có Tổng thống Nam Triều Tiên. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Steve Herman ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye đang kêu gọi các cuộc đàm phán thường kỳ giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Nhận định của bà với các phụ tá cấp cao hôm nay được đưa ra tiếp theo một chuyến thăm bất thần và hãn hữu đến miền nam của các giới chức cấp cao Bắc Triều Tiên.
Tổng thống Park nói phải tiến hành các nỗ lực “để bảo đảm các cuộc đàm phán cấp cao sắp tới sẽ mở đường cho việc tái thống nhất trong hòa bình thông qua việc mở cuộc đối thoại giữa hai nước Triều Tiên, chứ không phải cuộc đối thoại chỉ có 1 lần.
Nhận định của Tổng thống Nam Triều Tiên được đưa ra sau một cuộc thảo luận nửa ngày hôm thứ bảy giữa các giới chức của hai miền Nam Bắc, tổ chức tại thành phố cảng Incheon.
Phái đoàn Bắc Triều Tiên với 11 thành viên được đặt dưới sự hướng dẫn của phó chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng có nhiều quyền lực. Phó thống soái Hwang Pyong-so được các chuyên gia phân tích coi là người mới đây trở thành nhân vật nhiều quyền lực hàng thứ nhì ở Bắc Triều Tiên, sau lãnh tụ Kim Jong Un.
Các giới chức Nam Triều Tiên đã thừa nhận rằng họ gặp bất ngờ khi phía Bắc Triều Tiên tiếp xúc với họ hôm thứ sáu về việc họp ở miền nam vào ngày thứ bảy – cùng ngày với lễ bế mạc Á Vận hội.
Cả hai nước Triều Tiên đều có các phái đoàn riêng tham gia sự kiện thể thao này.
Cấp bậc cao của những người đáp máy bay đến Incheon được diễn dịch là một dấu hiệu cho thấy phía Bắc Triều Tiên muốn đạt được nhiều thứ hơn là chỉ tham dự một lễ hội thể thao. Và các cuộc đàm phán hôm thứ bảy dường như đã mới mối lối đi hướng tới một hội nghị thượng đỉnh có thể có.
Tại Seoul, phát ngôn viên Bộ Thống nhất Lim Byeong-cheol nói giới hữu trách chưa đồng ý về nghị trình để hồi sinh các cuộc đàm phán cấp cao vào cuối tháng này hoặc đầu tháng tới.
Ông Lim nói với các phóng viên rằng vấn đề các gia đình bị chia cách trên bán đảo là vấn đề quan trọng nhất cần phải giải quyết và miền Nam tin rằng việc nêu ra vấn đề đó là cần thiết.
Các cuộc đàm phán cấp cao lần chót với miền Bắc diễn ra hồi tháng 2.
Viêc nối lại các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa Seoul và Bình Nhưỡng diễn ra vào một thời điểm có nhiều tin đồn về sức khoẻ của lãnh tụ miền Bắc.
Lãnh tụ Kim Jong Un, mới ngoài 30 tuổi, đã không xuất hiện trước công chúng hơn 1 tháng nay, là thời kỳ dài nhất người ta không nhìn thấy ông kể từ khi lên kế nhiệm thân phụ, qua đời năm 2011.
Trong những đoạn băng tin tức video mới nhất do các cơ quan truyền thông nhà nước phổ biến, người ta thấy ông đi khập khiễng. Ông cũng đã lên cân đáng kể từ khi lên tiếp quản triều đại cộng sản cha truyền con nối duy nhất trên thế giới.
Các giới chức ở Seoul nói một thành viên của phái đoán miền Bắc đi thăm Nam Triều Tiên hôm thứ bảy trấn an họ rằng ông Kim không có vấn đề liên quan đến sức khoẻ.
Ông Lim Jae-chun là một giáo sư nghiên cứu về Bắc Triều Tiên tại trường Đại học Triều Tiên ở Seoul.
“Quyền lực của ông Kim Jong Un rất vững, mặc dầu ông đau ốm. Bắc Triều Tiên có thể muốn gửi cho thế giới một thông điệp: Kim Jong Un đang nắm quyền kiểm soát và ông là người gửi những thành phần quyền lực ưu tú làm đại diện cho ông."
Tuy nhiên, theo Giáo sư Lim, sự lạc quan sớm sủa rằng việc này sẽ dẫn đến một sự khai thông đáng kể nên ở mức vừa phải.
“Phải có một sự trao đổi bên cho bên nhận để đạt được thoả thuận giữa hai nước Triều Tiên. Còn quá sớm để nói trước điều gì và ở chừng mức nào mỗi bên có thể dành cho đối tác vào lúc này. Chúng ta cần phải chờ xem.”
Trên nguyên tắc, hai nước Triều Tiên vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh. Một lệnh đình chiến được ký năm 1953, ngưng các cuộc giao tranh sau gần 3 năm chiến đấu có sự can dự của lực lượng Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ lãnh đạo chống lại với Trung Quốc. Nam Triều Tiên không ký vào thoả thuận ngừng bắn này.
Bang giao vẫn băng giá qua nhiều thập niên và thỉnh thoảng lại xảy ra những hành vi bạo động, nhất là dọc theo biên giới giữa hai bên.