Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết ông cảm thấy phẫn nộ và thất vọng về việc tên ông bị lôi vào một vụ tai tiếng hối lộ dính líu tới Chủ tịch Quốc hội Setya Novanto. Các thông tín viên của đài chúng tôi gởi bài tường thuật từ Jakarta.
Tổng thống Widodo cho báo chí biết rằng mọi người phải tôn trọng tiến trình của Hội đồng Đạo đức Quốc hội (MKD), nhưng ông cảm thấy tức giận vì người đứng đầu quốc hội đã nêu tên ông để đòi hối lộ.
Ông Novanto, người bị tố cáo là đã đòi đại công ty hầm mỏ Freeport phải hối lộ, hôm 7/12 nói với toà án rằng ông bác bỏ bằng chứng chống lại ông bởi vì bằng chứng đó được thủ đắc một cách bất hợp pháp.
Bằng chứng mà ông Novanto nói tới là một đoạn băng ghi âm, trong đó ông nói với một viên giám đốc của Freeport là Tổng thống Widodo muốn có phần hùn trong công ty để đổi lấy sự giúp đỡ về quản lý nhà nước.
Tổng thống Widodo phát biểu như sau:
"Tôi không buồn phiền gì nếu quí vị nói tôi là một ông tổng thống điên khùng hay là một ông tổng thống cứng đầu cứng cổ. Điều đó không hề làm cho tôi buồn phiền. Nhưng khi nó có dính líu tới thanh danh của tôi và sự tôn nghiêm của chức vụ của tôi, khi người ta nói tôi đòi 11% phần hùn, thì tôi không thể chấp nhận. Không bao giờ. Đây là những vấn đề liên quan tới sự thích đáng, đạo nghĩa, đạo đức và phẩm giá của đất nước."
Sau cuộc họp kín của MKD, ông Surahman Hidayat, người đứng đầu toà án danh dự này, cho biết một khi đoạn băng ghi âm được nộp cho toà, ông sẽ yêu cầu cảnh sát tiến hành một cuộc xét nghiệm để xác định tính chất trung thực của đoạn băng. Ông nói quyết định về tính chất hợp pháp và tính chất xác thực của đoạn băng có thể có được trước ngày 18 tháng 12.
Trong khi đó, hàng ngàn người đã ký một thỉnh nguyện thư trên mạng để yêu cầu quốc hội cho công chúng tham dự những phiên toà của MKD.
Tuy nhiên, phó Chủ tịch MKD, ông Junimart Girsang, nói rằng phiên toà kín được yêu cầu bởi chủ tịch quốc hội vì ông ấy nói rằng có một số thông tin không nên công khai.
Ông Girsang cũng cho biết là trong phiên toà mới đây, ông Novanto không nói tới đoạn băng ghi âm.
Ông Girsang nói: "Điều mà tôi lưu ý là ông ấy không trả lời những câu hỏi về đoạn băng ghi âm. Thật ra đó là một cơ hội để ông ấy công khai giải thích, nhưng ông ấy đã bỏ lỡ cơ hội."
Trong lúc các thủ tục được tiến hành tại quốc hội, Bộ Tư pháp cũng đã nhập cuộc.
Tổng chưởng lý Prasetyo cho biết một số người dính líu tới vụ này đã được thẩm vấn và ông hứa loan báo danh tánh nghi can một khi toán nhân viên của ông tìm được thêm bằng chứng.
Ông Prasetyo nói: "Vụ này còn ở trong giai đoạn điều tra để tìm chứng cớ. Khi tìm ra chứng cớ, chúng tôi sẽ truy tố các nghi can."
Ông nói thêm rằng vấn đề ở đây không phải là tính chất hợp pháp của việc ghi âm những cuộc nói chuyện, mà là vấn đề về một thoả thuận hối lộ.
Tướng Badrodi Haiti, người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia, cũng bác bỏ những lập luận về tính chất hợp pháp của việc thu băng. Ông nói với các phóng viên rằng những vụ thu băng như vậy có thể được thực hiện một cách bí mật nếu giới hữu trách tin là sẽ có vấn đề trong tương lai.