Cuộc họp song phương được dự trù giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull sáng thứ Hai đã mở rộng thành ba bên với sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Thay đổi này làm nổi rõ mối quan hệ ba chiều liên quan đên vấn đề an ninh khu vực, nhất là cách đối phó với chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên, cũng như sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc tuyên bố chủ quyền lãnh hải.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản, người đã nỗ lực mưu tìm một mặt trận thống nhất chống Triều Tiên cùng với Tổng thống Trump, nói: “Điểm then chốt là chúng ta phải bảo đảm hợp tác chặt chẽ ba bên để mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực.”
“Chúng ta có cùng chung những giá trị và cùng tập trung vào mục tiêu bảo đảm chế độ Triều Tiên nhận thức đúng đắn và ngưng hành động liên tục khiêu khích và đe dọa chiến tranh trong khu vực,” Thủ tướng Australia Turnbull nói. “Hòa bình và ổn định đã củng cố cho sự thịnh vượng của hàng tỉ người trong mấy chục năm qua, và chúng ta phải hợp tác với nhau để bảo đảm duy trì điều đó.
Một cuộc thao diễn hải quân lớn bao gồm ba nhóm tàu tấn công có hàng không mẫu hạm của Mỹ đang diễn ra ở tây Thái Bình Dương.
Các đơn vị hải quân Hàn Quốc và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tham gia tập trận với các chiến hạm và máy bay của Mỹ.
Tổng thống Trump nói ông sẽ ra “một tuyên bố quan trọng” về Triều Tiên và về thương mại khi ông trở lại Washington sau chuyến công du 12 ngày, thăm 5 nước châu Á.
“Chúng tôi đạt được tiến bộ lớn về thương mại,” Tổng thống Trump nói khi bắt đầu cuộc họp với ông Abe và ông Turnbull bên lề thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á, gọi tắt là ASEAN, và nói thêm rằng chuyến Á du của ông mở ra “cơ hội doanh thu 300 tỉ đôla cho các doanh nghiệp kể cả ở Trung Quốc.” Tuy nhiên ông không cho biết chi tiết cụ thể về tuyên bố sắp tới của ông.
Tổng thống Trump cũng họp riêng với ông Rodrigo Duterte, Tổng thống Philippines, nước chủ nhà hội nghị ASEAN.
“Chúng tôi có một quan hệ tuyệt vời,” ông Trump nói. “Đó là một sự thành công lớn.”
Các phóng viên cố tìm hiểu liệu ông Trump có nêu vấn đề nhân quyền lên với Tổng thống Duterte hay không.
Ông Duterte, người đang bị các nhóm bênh vực cho nhân quyền quốc tế cực lực chỉ trích, nói: “Đây không phải là một thông cáo báo chí. Đây là cuộc họp song phương.”
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders sau đó nói rằng cuộc họp giữa ông Trump và ông Duterte tập trung vào các vấn đề “ISIS, ma túy, và thương mại.” Vấn đề nhân quyền cũng được đề cập sơ qua liên quan đến cuộc chiến chống ma túy của Philippines.”
Nhưng người phát ngôn của ông Duterte bác bỏ điều đó.
“Không, vấn đề nhân quyền không được nêu lên,” ông Harry Roque trả lời câu hỏi của một phóng viên. “Theo tôi biết thì Tổng thống Duterte giải thích chi tiết chính sách chống của cuộc chiến chống ma túy của Philippines. Và nhưng cử chỉ của Tổng thống Trump cho thấy ông đồng ý. Tổng thống Duterte đã là một đồng minh của ông Trump kề từ khi ông Trump lên cầm quyền.”
Trước đó, khi các nhà lãnh đạo khu vực tham dự một nghi lễ nhiều màu sắc khai mạc thượng đỉnh ở Manila, ông Duterte đã đặt sang một bên những tranh cãi về cuộc chiến chống ma túy của ông đã giết chết hàng ngàn người.
Ông Duterte phát biểu: “Tôi xin lỗi phải đặt ra chiều hướng trong tuyên bố của tôi theo cách này. Nhưng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng các cuộc họp của chúng ta trong hai ngày này mở ra những cơ hội tốt cho chúng ta tham gia các cuộc thảo luận về những vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng.”
Tuyên bố chung của hội nghị theo trông đợi sẽ loan báo ASEAN sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức cho bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, nơi có nhiều nước cùng tuyên bố chủ quyền.
Một số nước lo ngại về việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa các đảo tranh chấp mà Bắc Kinh đang kiểm soát.
Hôm thứ Hai 13/11 là sang ngày thứ hai liên tiếp háng ngàn người biểu tình ở thủ đô Manila, xô xát với cảnh sát chống bạo động. Cảnh sát dùng dùi cui, vòi rồng và máy phát sóng báo động để ngăn đám đông biểu tình, không cho tiến gần đến khu vực diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN.
Những người biểu tình đốt hình nộm ông Trump hôm thứ Hai. Nhiều người xô đẩy với cảnh sát. Người tổ chức cuộc biểu tình, ông Renato Reyes nói với đài VOA rằng nhiều người biểu tình bị thương và được cứu chữa tại chỗ.
Truyền thông địa phương nói rằng ít nhất 10 người bị thương, trong đó có 6 cảnh sát viên.
Nhưng người biểu tình hô khẩu hiệu đuổi ông Trump đi và tố cáo Mỹ tìm cách gây chiến tranh cở nước ngoài.
Ông Reyes nói với đài VOA rằng “hai ông Trump và Duterte trông có vẻ hợp ý với nhau, điều đó không tốt cho người dân Philippines.”
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ ca ngợi sự đón tiếp của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines dành cho ông.
Tổng thống Trump nói với các phóng viên: “Đó là một sự đón tiếp long trọng mà tôi nghĩ chưa từng ai có được."