Đường dẫn truy cập

TT Belarus dọa cắt các tuyến vận chuyển hàng hóa nếu bị cấm vận


Người biểu tình la ó khi bị hàng rào cảnh sát chặn không cho tiến về quảng trưởng Độc lập ở Minsk, Belarus, thứ Năm 27/8/2020. Cảnh sát đã giải tán đám đông tụ tập tại quảng trường ở trung tâm thành phố, bắt giữ hàng chục người. (AP- Photo/Sergei…
Người biểu tình la ó khi bị hàng rào cảnh sát chặn không cho tiến về quảng trưởng Độc lập ở Minsk, Belarus, thứ Năm 27/8/2020. Cảnh sát đã giải tán đám đông tụ tập tại quảng trường ở trung tâm thành phố, bắt giữ hàng chục người. (AP- Photo/Sergei…

Đối mặt với cuộc nổi dậy của quần chúng kéo dài gần ba tuần từ sau cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi, lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko hôm 28/8 đe dọa cắt các tuyến đường vận chuyển hàng hóa của châu Âu trên khắp nước ông nếu các lệnh trừng phạt được áp đặt.

Hãng tin Reuters trích lời ông Lukashenko cảnh báo ông sẽ chặn các nước láng giềng châu Âu vận chuyển hàng hóa sang Nga qua ngả Belarus, đồng thời đổi hướng hàng xuất khẩu hiện đang được vận chuyển qua các cảng ở Lithuania, một thành viên EU.

Hàng hóa từ Belarus, một quốc gia nằm sâu trong nội địa, chiếm gần một phần ba lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt và đường thủy qua các cảng của Lithuania. Belarus còn là một tuyến đường chính vận chuyển hàng hóa từ châu Âu sang Nga, và có hệ thống ống dẫn dầu để vận chuyển dầu lửa Nga sang châu Âu.

Ông Lukashenko bác bỏ cáo buộc của phe đối lập rằng ông đã có hành vi gian lận trong cuộc bầu cử ngày 9/8 để kéo dài thời gian cầm quyền đã 26 năm nay.

Hàng nghìn người đã xuống đường đòi ông từ chức. Ông nói những người biểu tình được phương Tây tài trợ và cáo buộc NATO đang tập trung lực lượng ở biên giới Belarus, điều mà liên minh này phủ nhận.

Ông Lukashenko cho biết ông đã ra lệnh cho phân nửa quân đội phải trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và đồng ý với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng quân đội hai nước có thể hiệp lực trong trường hợp có mối đe dọa từ phương Tây.

Ông Lukashenko cảnh báo: “Nếu họ (lực lượng NATO) không nằm yên, chúng tôi cần dùng một nhóm lực lượng vũ trang chung, đặt trên nền tảng là quân đội Belarus. "Người Nga phải hậu thuẫn chúng tôi và theo chúng tôi."

Theo bản tin Reuters, các nước láng giềng Lithuania, Ba Lan và Latvia đã thúc đẩy châu Âu có hành động mạnh mẽ hơn đối với ông Lukashenko. Lithuania cũng làm ông Lukashenko tức giận khi tiếp ứng cử viên tổng thống đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya, người đã chạy sang Lithuania trú ẩn sau cuộc bầu cử mà những người ủng hộ bà nói bà đã thắng.

Belarus là đồng minh thân cận nhất của Nga trong Liên Bang Xô-viết cũ, và lãnh thổ nước này là một phần trong chiến lược phòng thủ Âu châu của Moscow.

Tại Moscow, ông Lukashenko được coi là một người bạn nhưng hay gây rắc rối, và điện Kremlin phải quyết định liệu có nên hậu thuẫn ông hay không.

Hãng tin Reuters tường trình rằng trong dấu hiệu rõ nhất cho thấy Nga sẵn sàng can thiệp để giúp ông Lukashenko, hôm thứ Năm 27/8, ông Putin loan báo điện Kremlin đã thành lập một ‘lực lượng cảnh sát trừ bị’ theo lời yêu cầu của ông Lukashenko, mặc dù ông Putin nói thêm rằng lực lượng này chỉ được triển khai khi cần thiết mà thôi.

Phát biểu hôm thứ Sáu 28/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói bà hy vọng lực lượng này sẽ không được triển khai.

Cho tới nay, phương Tây đã hành động thận trọng, cân bằng giữa cảm tình họ dành cho phong trào thân dân chủ mới bùng ra tại Belarus, nhưng mặt khác, bày tỏ lo ngại về một hành động khiêu khích có thể khiến Nga nhảy vào can thiệp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG