Trong khi khu vực Kashmir của Ấn Độ bị lũ lụt tàn phá đang phải đối diện với việc cắt đứt mọi giao tiếp, các đăng tải trên truyền thông xã hội Facebook và Twitter đang đóng một vai trò to lớn trong việc truy tìm những người bị mắc kẹt trong khu vực. Hơn 400 người tại Ấn Độ và Pakistan đã thiệt mạng vì những trận lũ đã nhấn chìm khu vực miền núi và hàng ngàn người đang chờ được cứu.
Anh Aijaz Qaisar làm việc ở Bangalore đang tuyệt vọng ngóng tin về cha mẹ già, ốm yếu và gia đình người anh. Họ đã phải leo lên tầng ba căn nhà họ ở thủ phủ mùa hè Srinagar của Kashmir sau khi nước lũ ngập cả hai tầng bên dưới.
“Nó là một kiểu áp mái, họ ở trên tầng áp mái. Một lần nữa qua Facebook, anh tôi, em út của tôi đã đăng những bức ảnh nước ngập xung quanh…và sau đó không còn liên lạc gì nữa. Tôi hoàn toàn, hoàn toàn bất lực.”
Qaisar đã đăng lời kêu gọi SOS lên Facebook, “làm ơn cứu gia đình ông Qaisar-ud-Din” và cho địa chỉ của họ. Cho đến trưa thứ Tư, anh vẫn đang chờ tin.
“Tôi đang hy vọng, tôi đang hy vọng là có ai đó sẽ trả lời. Tôi đang hy vọng một cú điện thoại nói với tôi rằng nước vẫn chưa lên cao hơn nữa và thực phẩm được cung cấp, hoặc ít nhất nước được cung cấp.”
Cũng như Qaisar, hàng chục ngàn thân nhân đau khổ tràn ngập trên Facebook và Twitter với những tiếng kêu giúp đỡ, hối thúc các nhân viên cứu hộ và nhân viên quân đội đang làm việc ở vùng Kashmir của Ấn Độ để tiếp cận được những người thân yêu của họ. Với đường dây điện thoại và điện bị cắt, những người bị mắc kẹt không thể gọi ra ngoài nhờ giúp đỡ. Do đó, những đăng tải trên giúp chỉ chỗ cho các nhóm cứu hộ đi đúng hướng. Vào thời điểm hiện tại, các nhân viên cứu hộ gần như không có cách nào để xác định các nạn nhân nào cần giúp đỡ nhất – người bệnh, người già và trẻ em.
Trong khi Qaisar chưa gặp may, nhiều người khác lại được. Một cuộc trao đổi trên Facebook giữa quân đội và người chị của một thai phụ chín tháng cho thấy các binh sĩ đã hồi đáp lời kêu cứu của cô trên truyền thông xã hội và đã cứu được người phụ nữ bị mắc kẹt.
Các giới chức quân đội cho biết tất cả các thông điệp xin giúp đỡ đã nhận được trên trang mạng của quân đội đều được chuyển đến một nhóm gồm các chỉ huy cấp cao trong khu vực. Bắt đầu từ thứ Hai, quân đội bắt đầu đưa danh sách những người đã được cứu lên một trong các tài khoản Facebook của quân đội để thông tin cho những người thân.
Các nhóm tự giúp cũng mọc lên như nấm trên Facebook chia sẻ thông tin về những người bị mất tích. Google cũng liên minh với Lực lượng Ứng phó Thảm họa Quốc gia để tạo một cơ sở dữ liệu về những người bị mắc kẹt và mất tích. Những người muốn đóng góp thì liên kết với nhau qua hashtag # Kashmirfloods.
Sunil Abraham từ Trung tâm Mạng và Xã hội cho biết truyền thông xã hội có thể là một công cụ mạnh mẽ cho việc hợp tác trong những tình huống như những tình huống mà Kashmir đang đối diện.
“Thông qua những tính năng như hashtag, bạn có thể hình thành một cộng đồng năng động, nhanh chóng. Truyền thông xã hội tại đây đã có một bước tiến quan trọng vì một diễn đàn cấp tốc cho việc hợp tác có thể được tạo lập ngay lập tức.”
Cho tới nay, có khoảng 50.000 người đã được cứu, 40.000 người trong số họ là do các lực lượng vũ trang cứu. Nhưng hàng chục ngàn người vẫn còn bị kẹt trong những ngôi nhà của họ.
Quân đội, với con số khổng lồ trú đóng ở khu vực Hy Mã Lạp Sơn (Hymalaya) giáp ranh với Pakistan, đi đầu trong nỗ lực cứu hộ to lớn.
Atul Bhatia, một giới chức quân đội ở khu vực Jammu, người đã đưa chiếc máy phát điện lên một chiếc xe tải của quân đội để biến thành một điểm sạc điện thoại, nói trên một kênh truyền hình Ấn Độ rằng thiếu phương tiện liên lạc là một vấn đề lớn nhất.
“Liên lạc với người thân ở bên ngoài khu vực này là điều quan trọng nhất đối với họ và thân nhân để bảo đảm là mọi thứ vẫn ổn. Với việc không có điện trong năm ngày ở đây, điều quan trọng là điện thoại phải hoạt động.”
Lũ lụt đã nhấn chìm khu vực này từ một tuần trước, tàn phá những ngôi làng và thị trấn, hủy hoại những con đường và các cây cầu trong khu vực thắng cảnh miền núi.