Đường dẫn truy cập

Truyền thông chính trị phá hỏng câu chuyện ‘Người hùng’?


Bé gái 3 tuổi bám vào lan can tầng 12 trước khi rơi xuống mái tôn, nơi anh Nguyễn Ngọc Mạnh leo lên để chờ đỡ cháu bé.
Bé gái 3 tuổi bám vào lan can tầng 12 trước khi rơi xuống mái tôn, nơi anh Nguyễn Ngọc Mạnh leo lên để chờ đỡ cháu bé.

“Không, em không muốn làm người hùng”, câu trả lời dứt khoát của anh Nguyễn Ngọc Mạnh vừa khiến nhiều người thêm khâm phục sự tử tế của người đàn ông đã chiếm hết “spotlight” của truyền thông Việt Nam trong những ngày qua, vừa cho thấy nền truyền thông bị chính trị định hướng đã phá hỏng một câu chuyện đẹp của đời thường ra sao.

“Lên chín tầng mây”

Sau một đêm, Nguyễn Ngọc Mạnh, người ban đầu được báo chí ca ngợi là “anh hùng” vì cho là đã kịp thời leo lên mái tôn để đỡ một bé gái 3 tuổi rơi từ toà nhà 12 tầng xuống và cứu mạng bé gái này, cho biết cuộc sống anh và gia đình hoàn toàn đảo lộn.

Câu chuyện “người hùng” phủ đầy trang nhất trên tất cả các trang báo, từ chính thống cho đến các trang mạng xã hội. Ngoài Thủ tướng chính phủ trao bằng khen, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng có thư khen Mạnh vì đã “phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương Đông Anh văn hiến, anh hùng”.

Đoàn Thanh niên ngoài việc trao huy hiệu “Thanh niên dũng cảm” cũng không quên khoác lên người Mạnh chiếc áo đoàn viên thanh niên để hôm sau xem báo, nhiều người tự hỏi liệu anh Mạnh đã được kết nạp vào tổ chức này từ khi nào.

Anh Dũng Đinh, một cư dân Sài Gòn, nhận xét với VOA: “Khoác cho anh Mạnh cái áo đoàn viên thanh niên tôi thấy nó lố quá. Nói chung đó là một câu chuyện đời thường. Mọi người yêu mến Mạnh thì trong lòng người ta tự sẽ cảm phục. Đưa một bài báo thì ok, nhưng cái này là làm hơi lố. Làm cho cuộc sống của anh Mạnh thêm khó khăn, khó xử sau này. Làm lố quá!”

Ngoài giới show biz tranh thủ đưa câu chuyện lên các trang fanpage để gây chú ý, hàng loạt các tài khoản mạng xã hội giả mạo và ăn theo cái tên “Nguyễn Ngọc Mạnh” khác cũng xuất hiện để “câu view”. Trong khi, người thực hiện hành động nghĩa cử liên tục xua tay trước ống kính và từ chối nhận danh hiệu “anh hùng”.

“Mọi người gọi tôi là anh hùng thực sự tôi không muốn. Tự dưng đang ở dưới đất, mọi người đưa tôi lên chín tầng mây, cao quá tôi không đi được. Nếu không có tôi thì cũng sẽ có những anh hùng khác”, anh Mạnh trả lời phỏng vấn của VTV.

“Anh hùng” - tấm áo quá khổ cho người tử tế

Bản thân người được phong “anh hùng” hôm sau tiếp tục kêu lên với báo chí rằng anh “không nghĩ nó rùm beng lên cả anh em thành phố, rồi công an, nhà báo… nhiều như thế”.

“Không, em không muốn làm người hùng. Em chỉ làm phúc thôi. Nhưng con em, nói không may, nhỡ con em có vấn đề gì đấy thì cũng sẽ có người giúp đỡ…”, Mạnh, không dưới một lần, nói với báo chí về việc làm của mình.

Một ngày sau khi anh Mạnh được đưa lên “chín tầng mây”, một đoạn video khác xuất hiện quay lại được cảnh anh leo lên mái tôn với ý định đỡ cháu bé lúc đó vẫn còn đang treo lơ lửng trên cao. Tuy nhiên, góc máy quay này cho thấy anh Mạnh không hoàn toàn đỡ được cháu bé mà chỉ chạm được vào một phần cơ thể bé. Cháu bé sống sót sau khi rơi xuống mái tôn và bật tung lên một lần nữa. Nhiều người cho rằng chính độ đàn hồi của tấm tôn nhựa và cũng có thể bàn tay anh Mạnh góp một phần, hay một điều kỳ diệu nào đó, đã giúp em bé thoát chết.

Đoạn video lập tức làm đảo lộn dư luận Việt Nam một lần nữa. Hàng loạt các tranh cãi kèm theo phân tích, đo đạc, tính toán của các chuyên gia vô danh xuất hiện trong nỗ lực tìm ra “đâu là sự thật”. Vị ngọt tình người trong câu chuyện “người hùng” lúc này bỗng biến mất, thay vào đó là vị chua và đắng khi một số người đang từ trạng thái ngưỡng mộ chuyển sang hạ bệ không thương tiếc “người hùng” vì cho rằng anh đã không đỡ được cháu bé mà “nói quá”, trong khi anh Mạnh ngay từ đầu đã nói rằng điều đáng tiếc là anh “không kịp đỡ bé”.

“Đúng ra, một người xả thân cứu người là bản chất của họ. Nhưng xã hội bơm lên quá thì chỉ tội cho anh Mạnh thôi. Anh sẽ bị áp lực. Mai mốt có chuyện gì lại hạ bệ người ta”, anh Dũng Đinh nói với VOA.

“Chuyện chụp trúng hay không thì Mạnh đâu phải là cầu thủ ăn tiền đi thi đấu đâu mà trúng hay không trúng. Chuyện đó không đáng quan tâm. Tại sao mình không quan tâm đến cái gốc là bản lĩnh của một người đơn giản thấy chuyện là làm. Bao nhiêu người ở đó mà sao có một mình Mạnh làm?”, anh Dũng nói thêm.

“Ai cho tao lương thiện?”

Một trí thức ở Việt Nam nói với VOA rằng câu chuyện của Mạnh và cháu bé đã bị thể chế Cộng sản làm cho “méo mó”.

Trong khi đó, kỹ sư - nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho rằng vấn đề xuất phát từ hệ thống truyền thông và tuyên giáo ở Việt Nam.

“Chính hệ thống truyền thông và tuyên giáo của Việt Nam, mà tôi nghĩ do chủ trương tìm kiếm những câu chuyện anh hùng như thế này để đẩy lên. Thành ra những sự kiện rất bình thường đã bị chính trị hoá”, ông Nguyễn Lân Thắng nhận định với VOA.

Theo nhà hoạt động này, chủ trương khuyếch đại “gương anh hùng” này không những không thể xoa dịu những bất bình, bức xúc hay mất lòng tin của người dân đối với thể chế, mà còn “khoét sâu” thêm những suy nghĩ và tình cảm tiêu cực của họ đối với công việc của các tổ chức nhà nước và hệ thống chính trị.

“Mặt xấu ở đây là khi người dân nhìn vào sự kiện đó thì sẽ cảm thấy e sợ vì có thể mình cứu giúp người này, làm việc thiện kia nhưng chưa chắc được truyền thông và người khác đánh giá và tôn trọng. Nhưng có một điểm tích cực là mỗi sự kiện qua đi, khi mọi việc đã rõ trắng đen, thì mỗi người dân sẽ có bài học cho mình và không dễ dàng bị hệ thống truyền thông của nhà nước dẫn dắt sự kiện đó theo hướng họ muốn”, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nói.

Theo ông, đây là một yếu tố rất quan trọng để một xã hội công dân tại Việt Nam phát triển và trưởng thành, để đến một lúc nó có thể nhìn nhận đúng mức việc làm tử tế của từng cá nhân, chứ không dồn họ đến mức phải thốt lên “Ai cho tao lương thiện?” như Chí Phèo năm xưa của Nam Cao.

VOA Express

XS
SM
MD
LG