Các trường đại học trên toàn thế giới đã thay sách vở và thi cử bằng những sinh viên ồn ào và những chiếc áo thun của các cầu thủ bóng đá, giữa lúc cơn sốt World Cup FIFA 2018 tiếp tục.
Các trường đại học quốc tế đã biến các tòa nhà và lớp học thành những nơi sinh viên và người hâm mộ bóng đá địa phương có thể tụ tập để ủng hộ đội bóng nhà tại những bữa tiệc xem bóng đá trong trường đại học. World Cup năm nay tại Nga, bắt đầu vào ngày 14/6 và kết thúc vào ngày 15/7-tiêu tốn khoảng 15 tỉ đô la và thu hút hơn 3,2 tỉ người xem trên toàn thế giới, theo như cuộc nghiên cứu của GlobalWebIndex.
Tại Nigeria các trường đại học trở thành một nơi ồn ào, chè chén say sưa. Tại trường đại học Bingham gần thủ đô Abuja, hàng trăm người tụ tập xem Những Siêu Đại bàng Nigeria thắng đội Iceland 2-0. Sinh viên và người dân địa phương reo hò và hát quốc ca sau khi Nigeria chiến thắng.
Trong khi đó, tại Đại học Lagos, Trường Y tổ chức xem và chào mừng chiến thắng của Nigeria.
Tại Bệnh viện của Trường đại học Lagos, sinh viên và dân chúng địa phương chào mừng chiến thắng của Nigeria tại các nơi trong trường đại học, hát các dạ khúc tại bao lơn ký túc xá.
Sinh viên Nigeria Sinclair Lyon Jr. 22 tuổi nói “Xem bóng đá một mình ở nhà không thú vị chút nào. Nigeria là một quốc gia với hơn 300 bộ lạc và hơn 520 thứ tiếng. Bóng đá giúp chúng tôi đoàn kết và hiệp một dù chúng tôi có những khác biệt về sắc tộc và bộ lạc. Với bóng đá, chúng tôi nói một thứ tiếng và đó là ủng hộ những Siêu Đại bàng Nigeria chiến thắng
Tại trường đại học Benin ở Nigeria, sinh viên đổ ra đường phố reo mừng sau chiến thắng của Nigeria. Bốn ngày sau đó Nigeria bị loại sau khi thua Argentina với tỉ số 1-2. Tuy nhiên nếu các hoạt động trên Twitter là chỉ dấu thì sinh viên tại Nigeria vẫn bị dịch sốt World Cup hoành hành.
Tại trường đại học Công giáo ở Uruguay, các giới chức trường đại học loan báo là “tất cả các lớp học và các hoạt động” sẽ được ngưng lại cho đến khi World Cup kết thúc vào giữa tháng 7. Trường đại học Montevideo có hơn 10.000 sinh viên.
Giám đốc Điều hành trường đại học Álvaro Pacheco viết trong thông cáo gởi đến sinh viên “Một trong những nhiệm vụ chính của sinh viên đại học là chú ý đến thực tế chung quanh chúng ta, theo một tinh thần hoc hỏi, có phê phán, nhưng cũng dấn thân vào thực tế này, chuyển động và tham gia vào xã hội.”
Ông Pacheco viết tiếp “rõ ràng là thể thao, một cách tổng quát, và đặc biệt là bóng đá, là một yếu tố định nghĩa chúng ta là người Uruguay, và bóng đá có đức tính tạo nên sự đoàn kết hiếm thấy trong xã hội chúng ta ngày hôm nay.”
Ông Pacheco nói ông hy vọng Uruguay tiến xa hơn nữa tại World Cup này. Đội tuyển quốc gia Uruguay đã vào được vòng tứ kết.
Dù đội tuyển Bangladesh chưa bao giờ vào được World Cup-đội bóng nước này xếp hạng 194 trên thế giới. Nhưng người dân ở đây cuồng nhiệt đối với World Cup. Người Bangladesh ủng hộ hai đội bóng Nam Mỹ là Argentina và Brasil.
Cờ xí, tập họp và diễu hành tràn ngập đường phố Bangladesh với cờ của Argentina và Brazil. Tuy nhiên cuồng nhiệt đôi khi biến thành bạo động, như trước đây trong tháng khi các người hâm mộ Argentina và Brazil dùng mã tấu tấn công lẫn nhau tại thị trấn Bandar làm hai người bị thương nặng.
Trường đại học Barisal tháng 5 vừa qua cảnh báo sinh viên không được treo cờ nước ngoài, viện dẫn một điều luật qui định “Cờ của nước ngoài không được treo lên xe hay tòa nhà tại Bangladesh nếu không có phép rõ ràng của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Bangladesh.
“Vì trường đại học là một tổ chức của chính phủ, chúng tôi không thể cho phép những hành động không được phép như vậy, Giám đốc Điều hành trường đại học SM Imamul Haque nói trong một cuộc phỏng vấn với New Age.
Trong thời gian dẫn đến World Cup 2014, các giới chức chính phủ tại quận Jessore kêu gọi các người hâm mộ bóng đá hạ cờ Argentina và Brazil trên nóc nhà của họ. Dù có những bất đồng như vậy cờ của World Cup vẫn tung bay.
Và trong khi các sinh viên hâm mộ bóng đá không có tiền mua vé xem các trận đấu tại chỗ, nhưng không phải người nào cũng thích các lễ hội diễn ra cùng với bóng đá. Gần trường đại học Moscow, các nhà tổ chức World Cup dựng một màn ảnh lớn gần ký túc xá đại học. Dù có khoảng 4.600 sinh viên ký kiến nghị đòi dời màn ảnh và tiếng ồn, nhưng Khu vực những người Hâm mộ vẫn hoạt động.