Đường dẫn truy cập

Trước ngày bỏ phiếu “nhất thể hóa”, cử tri đòi Tổng Bí Thư công bố tài sản


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 7, tháng 5/2018
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 7, tháng 5/2018

Trong ngày khai mạc kỳ họp của nửa cuối năm 2018, quốc hội Việt Nam hôm 22/10 nghe tờ trình của chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về dự kiến nhân sự để bầu chủ tịch nước.

Không có gì gây ngạc nhiên, theo tờ trình do bà Ngân đọc, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, là người duy nhất được Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề cử để kế nhiệm ông Trần Đại Quang, vị chủ tịch nước đã qua đời cách đây hơn một tháng.

Tường thuật của báo chí trong nước cho hay dự kiến vào ngày thứ hai của kỳ họp, 23/10, quốc hội sẽ bầu tân chủ tịch nước “bằng bỏ phiếu kín”.

Giới am hiểu chính trị Việt Nam tin rằng cuộc bỏ phiếu về ông Trọng tại nơi mà họ xem là “quốc hội nghị gật” chỉ có tính chất thủ tục, và người đang đứng đầu đảng cộng sản cầm quyền chắc chắn sẽ được chuẩn thuận để nắm thêm cả chức chủ tịch nước, một động thái thường được gọi là “nhất thể hóa”.

Vì sao ông Trọng ‘thích’ ngồi thêm ghế chủ tịch nước?

TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước ngày 23/10​

Các nhà hoạt động vì dân chủ trong những ngày này đang sử dụng diễn biến chính trị kể trên để chỉ ra sự méo mó của những gì vẫn được chính quyền gọi là nền dân chủ của Việt Nam.

Trên trang Facebook cá nhân có hơn 150.000 người theo dõi, cựu tù nhân lương tâm Lê Công Định, người từng là một luật sư trước khi bị bỏ tù về tội “hoạt động lật đổ”, viết vào tối 22/10: “Là một công dân, tôi ao ước được thật sự cầm lá phiếu bầu Chủ tịch nước của tôi”.

Nhà giáo Phạm Toàn, người cũng tích cực góp tiếng nói vì sự tiến bộ, nói với VOA rằng ngay cả khi những người dân được đi bỏ phiếu, trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước, những cuộc bầu cử đều là “vớ vẩn”. Ông nói thêm:

“Các cử tri chưa bao giờ biết mình là cử tri và chưa bao giờ biết mình được quyền suy nghĩ gì, đòi cái gì, yêu cầu cái gì”.

Nhà hoạt động Lê Công Định bày tỏ quan điểm trên Facebook về bầu chủ tịch nước, 22/10/2018
Nhà hoạt động Lê Công Định bày tỏ quan điểm trên Facebook về bầu chủ tịch nước, 22/10/2018

Tin tức trên truyền thông nhà nước nói quốc hội Việt Nam sẽ công bố “kết quả kiểm phiếu” bầu chủ tịch nước trong buổi chiều ngày 23/10. Tiếp sau đó, vị chủ tịch nước tân cử sẽ làm lễ tuyên thệ.

Vài ngày trước cuộc bỏ phiếu, 85 cử tri chủ yếu là các nhà hoạt động nổi tiếng và những đại diện xã hội dân sự có nhiều ảnh hưởng đã gửi thư yêu cầu ông Nguyễn Phú Trọng, với tư cách là ứng cử viên chức chủ tịch nước, phải “công bố chương trình hành động” và “công khai tài sản”.

Đây là một sáng kiến của phong trào dân sự. Nghĩa là một phép thử, thế thôi. Tại vì ông ấy cũng sẽ không trả lời, ông ấy sẽ không công khai. Những người cùng với ông ấy cũng không ai công khai cả. Nhưng đây là một phép thử của dân sự để xem xem đại biểu của dân thực sự là cái gì.
Nhà giáo Phạm Toàn

Thư kiến nghị đề ngày 18/10, có chữ ký của ông Định, ông Toàn, giáo sư Tương Lai, tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhiều cựu quan chức chính quyền, v.v… đề nghị rằng ông Trọng “nêu gương công khai, minh bạch và trong sạch từ chính bản thân mình”.

Những người ký kiến nghị đưa ra lập luận rằng việc công khai bản kê khai tài sản là “rất dễ thực hiện”, vì theo luật về bầu đại biểu quốc hội, bản kê khai của ông Trọng “đã có sẵn” và “đã được nộp cho các cơ quan tổ chức bầu cử” trong quy trình bầu ông làm đại biểu quốc hội trước đây.

Trong thư, 85 cử tri khẳng định rằng “đòi hỏi” của họ hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, đồng thời cũng “thể hiện nguyện vọng chính đáng và mong muốn mạnh mẽ của cử tri toàn quốc nói chung”.

Nhà giáo Phạm Toàn cho VOA biết thêm về ý nghĩa đằng sau bản ký nghị:

“Đây là một sáng kiến của phong trào dân sự. Nghĩa là một phép thử, thế thôi. Tại vì ông ấy cũng sẽ không trả lời, ông ấy sẽ không công khai. Những người cùng với ông ấy cũng không ai công khai cả. Nhưng đây là một phép thử của dân sự để xem xem đại biểu của dân thực sự là cái gì”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đọc tờ trình về bầu chủ tịch nước, 22/10/2018
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đọc tờ trình về bầu chủ tịch nước, 22/10/2018

Đây là lần thứ hai ông Trọng đối mặt với đề nghị từ cử tri về công khai tài sản cá nhân. Cách đây hơn 5 tháng, 70 công dân cũng đã gửi thư yêu cầu ông công bố bản kê khai tài sản cá nhân với tư cách là tổng bí thư đảng, theo một quy định của Ban Bí thư Trung ương ĐCSVN áp dụng với các cán bộ lãnh đạo.

Kể từ đó đến nay, chưa hề có hồi âm từ Tổng Bí thư Trọng về thư kiến nghị thứ nhất đó.

Dự báo về lời kiến nghị hiện nay, nhà giáo Phạm Toàn cho rằng cũng sẽ không có sự hồi đáp và ông xem như điều đó cho thấy “nhà đương cục vẫn có thái độ bất cần”.

TBT Trọng được giới thiệu làm Chủ tịch nước: Nhất thể hóa "hợp lòng dân"

Việt Nam trả lời quốc tế về việc tiến cử ông Trọng vào chức Chủ tịch nước​

Hồi đầu tháng này, toàn bộ Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhất trí đề cử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm chủ tịch nước, một quyết định được xem là “chưa từng có trong lịch sử của Ban Chấp hành”.

Báo chí chính thống dẫn lời một số người dân và nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão nói rằng họ ủng hộ mô hình tổng bí thư cũng nắm cả chức chủ tịch nước.

Tuy nhiên, một số người khác, trong đó có luật sư Hà Huy Sơn được nhiều người biến đến, đã bày tỏ ý kiến với VOA hoặc trên mạng xã hội rằng họ lo ngại về sự tập trung quyền lực vào tay một người, và như vậy là “không tốt cho dân chủ và xã hội”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG