Đường dẫn truy cập

Trung Quốc thông báo sơ sài về xả lũ, Việt Nam lo cho tình huống khẩn cấp


Đập Tam Hiệp, một trong nhiều đập thuỷ điện của Trung Quốc phải xả lũ trong thời gian gần đây.
Đập Tam Hiệp, một trong nhiều đập thuỷ điện của Trung Quốc phải xả lũ trong thời gian gần đây.

Với việc Trung Quốc thông báo xả lũ xuống sông Hồng nhưng không cho biết chính xác lưu lượng, giới hữu trách Việt Nam phải bố trí lực lượng trực xuyên đêm và đưa ra các phương án ứng phó trong tình huống mực nước dâng cao đến mức báo động.

Hôm 20/8, Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai gửi ra công văn cho biết Nhà máy thuỷ điện Mã Đồ Sơn của Trung Quốc sẽ xả lũ từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều cùng ngày nhưng không cho biết lưu lượng là bao nhiêu, và cũng không cung cấp thông tin xả lũ trên các lưu vực sông khác trong những ngày tới.

Tình trạng này khiến UBND tỉnh Yên Bái phải ra công điện hoả tốc để yêu cầu các lực lượng địa phương chuẩn bị cho tình huống bị lũ quét, sạt lở đất trong địa bàn, đồng thời kêu gọi người dân dự trữ lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm, dừng các hoạt động đánh bắt và lưu thông trên sông.

Báo Dân Việt cho hay lực lượng công an tỉnh Yên Bái và thành phố Yên Bái đã phải trực chiến 100% quân số cùng với trang thiết bị, kỹ thuật để sẵn sàng ứng cứu khi dự báo nước sông Thao (sông Hồng) dâng cao gây ngập úng trở lại.

Thuỷ điện Mã Đồ Sơn nằm trên dòng chính của sông Hồng, thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Thuỷ điện có công suất 300 MW và cách biên giới Việt Nam khoảng 350 km.

Việc xả lũ của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm khu vực sông Thao vừa trải qua đợt lũ với mức đỉnh lũ lên 82,58m, vượt mức báo động 2 là 0,58m và vừa giảm xuống dưới mức báo động 1 vào trưa 20/8.

Sau khi Trung Quốc xả lũ, mực nước sông tăng lên trở lại, đạt mức 80,43m vào 7 giờ sáng 21/8, vượt mức báo động 1 là 0,43m, sau đó xuống mức 79,69m vào 1giờ chiều 21.8, dưới báo động 1 là 0,31m.

Dự báo mực nước sông Thao ở Lào Cai sẽ tiếp tục xuống nhanh, trong khi tại Yên Bái mực nước sẽ lên đến mức báo động 2 khi khu vực Việt Bắc, Tây Bắc xuất hiện mưa to và dông kể từ chiều 21/8 sang ngày 22/8. Nhiều khả năng sẽ xuất hiện đợt lũ mới trong khu vực, với biên độ lũ từ 1,0-3,0m. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang. Nguy cơ ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, các khu đô thị, các tỉnh và thành phố như Lào Cai, Yên Bái.

Lũ lụt và lở đất do mưa lớn ở miền bắc Việt Nam đã khiến 7 người thiệt mạng và 4 người khác bị thương kể từ ngày 17/8. Hàng ngàn ngôi nhà của người dân bị hư hại, nhiều hộ gia đình phải sơ tán để bảo đảm an toàn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thiên tai tại Việt Nam, trong đó có hạn hán, lũ lụt và sạt lở đất, đã giết chết 133 người vào năm ngoái và gây thiệt hại khoảng 7 nghìn tỷ đồng (302,6 triệu USD).

Số liệu chính thức cho biết trong nửa đầu năm nay, thiên tai đã làm thiệt mạng 47 người và gây thiệt hại 3,3 nghìn tỷ đồng.

Trong một diễn tiến liên quan, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sắp tham dự trực tuyến Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần 3 vào ngày 24/8 và có bài “phát biểu quan trọng” tại hội nghị này, theo thông báo của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.

Hội nghị với 6 nước thành viên gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc dự kiến sẽ bàn về nhiều chủ đề, trong đó có nội dung liên quan đến đại dịch Covid-19 và vấn đề “quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG