Đường dẫn truy cập

Trung Quốc phong tỏa Tây An để ngăn dịch trước thềm Olympic


Các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đứng trước cửa khu ký túc xá của một đại học đang bị phong tỏa do bùng phát Covid
Các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đứng trước cửa khu ký túc xá của một đại học đang bị phong tỏa do bùng phát Covid

Trung Quốc hôm 23/12 phong tỏa thành phố Tây An với 13 triệu dân để chặn đứng sự gia tăng các ca nhiễm virus corona, vào lúc nước này đẩy mạnh chính sách ‘không khoan nhượng’ chỉ vài tuần trước khi Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội mùa đông.

Các hạn chế để phòng dịch ở Tây An, miền đông bắc Trung Quốc, có hiệu lực vào nửa đêm 22/12 mà không rõ lúc nào sẽ được dỡ bỏ. Đây là những hạn chế hà khắc nhất từ khi Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vào năm ngoái với hơn 11 triệu dân ở thành phố Vũ Hán, nơi virus corona được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019.

Mỗi hộ gia đình có một người được phép ra ngoài hai ngày một lần để mua nhu yếu phẩm, sắc lệnh của chính quyền yêu cầu. Những người khác trong gia đình được yêu cầu ở nhà, mặc dù quy định này không được tuân thủ nghiêm ngặt, theo thông tin trên mạng xã hội. Những người tình cờ nghỉ trong khách sạn đã bị kẹt lại.

Không có thông tin liệu có phải các ca mới là nhiễm biến chủng Omicron vốn dễ lây lan hơn và đang dẫn đến làn sóng dịch ở nhiều nơi trên thế giới hay là biến thể Delta trước đó. Trung Quốc cho đến nay chỉ ghi nhận bảy ca Omicron, nhưng không có ca nào ở Tây An.

Mặc dù đợt bùng phát mới nhất cách Bắc Kinh, thành phố chủ nhà Olympic, 1.000 km về phía tây nam, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy đại dịch có thể trở nên tồi tệ hơn ở Trung Quốc sẽ đặt ra nghi vấn liệu Bắc Kinh sẽ xoay sở nổi hay không và xoay sở như thế nào để chào đón hàng ngàn vận động viên, quan chức và nhà báo khi Thế vận hội sẽ khai mạc chỉ trong vài tuần nữa vào ngày 4/2.

Một mặt, có niềm tự hào dân tộc và đầu tư lớn đối với Olympic và không ai muốn hủy, hoãn hoặc sắp xếp lại sự kiện một cách bất ngờ ở giai đoạn cuối này. Mặt khác, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp hà khắc trong suốt đại dịch trong khuôn khổ chính sách quét sạch mọi ca nhiễm – và khó lòng thấy được việc đón tiếp số lượng lớn người từ nước ngoài sẽ khớp với chiến lược đó như thế nào.

Chính sách ‘không khoan nhượng’ này, vốn dẫn đến các lệnh phong tỏa thường xuyên, đeo khẩu trang rộng rãi và xét nghiệm hàng loạt, đã không hoàn toàn thành công. Nó đã khiến việc đi lại và giao thương bị gián đoạn nặng nề, nhưng Bắc Kinh tin rằng nó ngăn chặn được sự lây lan của virus. Tổng thể, Trung Quốc đã ghi nhận 4.636 ca tử vong và 100.644 ca mắc COVID-19 cho đến nay.

Tây An - thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, nổi tiếng với các thắng tích của các triều đại phong kiến, đồng thời là trung tâm công nghiệp lớn - đã ghi nhận thêm 63 ca lây nhiễm tại địa phương hôm 23/12, đưa tổng số ca nhiễm của thành phố lên ít nhất 211 ca trong tuần qua.

Trung Quốc cũng phải đối phó một đợt bùng phát COVID-19 lớn ở một số thành phố thuộc tỉnh miền đông Chiết Giang gần Thượng Hải, mặc dù tỉnh này thực hiện các biện pháp cách ly trên diện hẹp.

“Chúng tôi không được nhận khách nào, và không có khách nào hiện đang thuê phòng được rời khách sạn”, một nhân viên lễ tân khách sạn ở Tây An họ Lý, cho biết.

Nhân viên khách sạn và khách lưu trú được yêu cầu xét nghiệm hai ngày một lần, cô Lý cho biết. “Hoạt động kinh doanh của chúng tôi sẽ bị tác động và chúng tôi không biết nó sẽ kéo dài bao lâu”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG