Đường dẫn truy cập

Trung Quốc cảnh báo Walmart việc ‘loại bỏ hàng hóa từ Tân Cương’


Một cửa hàng Walmart ở Thâm Quyến, Quảng Đông
Một cửa hàng Walmart ở Thâm Quyến, Quảng Đông

Cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc hôm 31/12 đã cáo buộc hãng bán lẻ khổng lồ Walmart của Mỹ và chuỗi cửa hàng Sam's Club của họ là ‘ngu ngốc và thiển cận’ sau khi truyền thông Trung Quốc đưa tin Sam's Club đã loại bỏ các sản phẩm có nguồn gốc từ Tân Cương ra khỏi các kệ hàng của họ.

Tuần trước, Sam's Club đã hứng búa rìu dư luận ở Trung Quốc sau khi một số báo chí chia sẻ video và ảnh chụp màn hình trên mạng xã hội Weibo cho thấy hàng hóa có xuất xứ từ khu tự trị Tân Cương miền tây Trung Quốc đã bị xóa khỏi ứng dụng trực tuyến của họ.

Tranh cãi trên mạng xã hội nổ ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 23/12 ký thành luật lệnh cấm nhập khẩu từ Tân Cương do lo ngại về lao động cưỡng bức ở khu tự trị này.

Walmart là công ty nước ngoài mới nhất gặp rắc rối trước áp lực của phương Tây đối với cách đối xử của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ và các sắc dân Hồi giáo thiểu số khác ở Tân Cương và tầm quan trọng của thị trường và nguồn cung từ Trung Quốc.

Trung Quốc bác bỏ cáo buộc cưỡng bức lao động hoặc bất kỳ hành vi lạm dụng nào khác ở Tân Cương.

Cả Walmart và Sam's Club đều không đưa ra tuyên bố công khai sau khi gặp phản ứng ở Trung Quốc và Walmart đã không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters hôm 31/12.

Ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) cáo buộc Sam's Club tẩy chay hàng hóa Tân Cương và tìm cách tránh tranh cãi bằng cách giữ im lặng.

“Gỡ bỏ tất cả các sản phẩm từ một khu vực mà không có lý do chính đáng che giấu động cơ thầm kín, thể hiện sự ngu ngốc và thiển cận, và chắc chắn sẽ đem đến những hậu quả tồi tệ,” CCDI viết trên trang web của mình.

Trung Quốc là thị trường khổng lồ của Walmart, với doanh thu 11,43 tỷ đô la khi năm tài chính kết thúc vào ngày 31/1. Trong số 423 cơ sở Walmart hoạt động tại Trung Quốc, 36 là cửa hàng Sam's Club, theo trang web của hãng.

Tìm kiếm trên ứng dụng Sam's Club các mặt hàng Tân Cương phổ biến như nho khô không đem lại bất kỳ kết quả nào, nhưng sản phẩm từ những nơi khác, chẳng hạn như trà Phúc Kiến, cũng tìm không ra, theo kiểm tra của Reuters hôm 29/12.

Hết hàng?

Truyền thông Trung Quốc đã trích dẫn các đại diện dịch vụ khách hàng của Sam's Club giải thích rằng các sản phẩm liên quan không phải bị loại ra mà là ‘hết hàng’.

CCDI hôm thứ Sáu gọi đó là ‘cái cớ tự huyễn hoặc’ và nói rằng chuỗi bán lẻ này nên tôn trọng lập trường của Trung Quốc đối với Tân Cương nếu họ muốn ‘đứng vững ở thị trường Trung Quốc’.

Việc một thương hiệu nước ngoài bị mạng xã hội Trung Quốc hoặc truyền thông chính thống của nước này chĩa mũi dùi là không có gì lạ, và tác động của nó có thể gây thiệt hại.

Đầu tuần này, hashtag ‘hủy thẻ Sam's Club’ đã lan truyền trên Weibo, với hơn 470 triệu lượt được nhắc đến. Hôm 31/12, tờ China Daily của nhà nước đưa tin rằng các đối thủ cạnh tranh trong nước đã tổ chức các chiến dịch quảng bá hàng hóa từ Tân Cương.

Hồi tháng 7, hãng bán lẻ thời trang Thụy Điển H&M báo cáo doanh số bằng nội tệ giảm 23% ở Trung Quốc trong quý từ tháng 3 đến tháng 5 sau khi bị người tiêu dùng tẩy chay hồi tháng 3 trước tuyên bố công khai của H&M rằng họ không bán sản phẩm xuất xứ từ Tân Cương.

Trong tháng này, hãng sản xuất chip Intel của Mỹ đã đối mặt với lời kêu gọi tương tự sau khi yêu cầu các nhà cung ứng không dùng sản phẩm hoặc lao động xuất xứ Tân Cương. Việc này khiến họ đã phải xin lỗi ‘vì những rắc rối gây ra cho khách hàng, đối tác và công chúng Trung Quốc đáng tôn trọng của chúng tôi’.

Hôm 31/12, CCDI cáo buộc H&M, Intel và Sam’s Club hợp tác với ‘các thế lực phương Tây chống Trung Quốc’ để gây bất ổn cho Tân Cương bằng cách đàn áp và tẩy chay các sản phẩm từ khu vực.

“Những công ty phương Tây này, vốn từng khoe rằng họ không bị chính trị can thiệp, đã tự tát vào mặt mình.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG