Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 24/5 chỉ trích Mỹ rút lại lời mời nước này tham dự cuộc diễn tập hải quân do Hoa Kỳ tổ chức có tên gọi Vành đai Thái Bình Dương, viết tắt là RIMPAC, vì việc quân sự hóa Biển Đông.
Theo Reuters, Bắc Kinh từng tham gia cuộc thao dượt hàng hải quốc tế được coi là lớn nhất thế giới, diễn ra hai năm một lần ở Hawaii vào tháng Sáu và tháng Bảy.
Tin cho hay, RIMPAC tạo cơ hội cho lực lượng vũ trang của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trao đổi trực tiếp, và điều này sẽ giúp giảm bớt căng thẳng cũng như tính toán sai lầm nếu đôi bên đối đầu trong tình thế xấu hơn.
Theo Reuters, Lầu Năm Góc nói rút lại lời mời vì Bắc Kinh quân sự hóa các hòn đảo ở Biển Đông.
Trong một tuyên bố ngắn, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng Hoa Kỳ đã “phớt lờ sự thật và làm rùm beng cái gọi là quân sự hóa Biển Đông”, và lấy đó là cái cớ để không mời Trung Quốc.
Tuyên bố có đoạn: “Quyết định này của Hoa Kỳ không mang tính xây dựng. Ngừng trao đổi bất cứ lúc nào không có lợi cho việc thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau và giao tiếp giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc”.
Trung Quốc mới đây đã đáp máy bay ném bom xuống đảo nhân tạo nước này xây dựng ở Biển Đông, gây quan ngại ở Việt Nam và Philippines.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 21/5 nói rằng “việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập cất, hạ cánh trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn trong khu vực và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”.
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nêu trên, không được tiến hành quân sự hóa, nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), tạo bầu không khí thuận lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực”, bà Hằng nói.
Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh rằng việc xây dựng các cơ sở phòng thủ trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông là để bảo vệ chủ quyền của nước này, và không liên quan gì tới quân sự hóa.