Đường dẫn truy cập

Trung Quốc yêu cầu Ấn Ðộ rút quân khỏi vùng biên giới tranh chấp


Các binh sĩ Ấn Ðộ trên tuyến đường thương mại Ấn-Trung ở Nathu-La, cách thủ phủ Gangtok của Sikkim 55 kilômét về hướng bắc (Ảnh tư liệu ngày 17/1/209)
Các binh sĩ Ấn Ðộ trên tuyến đường thương mại Ấn-Trung ở Nathu-La, cách thủ phủ Gangtok của Sikkim 55 kilômét về hướng bắc (Ảnh tư liệu ngày 17/1/209)

Bắc Kinh hôm thứ Ba 18/7 lập lại yêu cầu Ấn Ðộ ngay lập tức rút quân đội ra khỏi khu vực tranh chấp biên giới ở vùng núi non của dãy Hy Mã Lạp Sơn, sau khi có tin nói rằng các lực lượng của Trung Quốc vừa bắt đầu các cuộc tập trận bắn đạn thật trong khu vực.

Hãng thông tấn AP đưa tin rằng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói các lực lượng quân sự của Ấn Ðộ phải rút khỏi khu vực để tránh “leo thang căng thẳng.”

Trong cuộc họp báo thường kỳ, ông Lục nói: “Chúng tôi đã khẳng định nhiều lần và chúng tôi hy vọng phía Ấn Ðộ sẽ hiểu rõ tình hình và ngay lập tức rút binh sĩ của họ đã băng trái phép sang biên giới về lại bên Ấn Ðộ.”

Bắc Kinh và New Delhi hơn một tháng qua đã đối đầu với nhau trong khu vực Dikalam, trong lúc các giới chức của cả hai bên nói đến khả năng xảy ra xung đột thậm chí đẫm máu hơn cả cuộc chiến năm 1962 giữa hai nước mà đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng.

Phát biểu của ông Lục được đưa ra sau khi đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin một lữ đoàn bộ binh của Quân đội Nhân dân Trung Quốc có trang bị giàn phóng rốc-két, súng máy và súng cối mới đây đã tập trận bắn đạn thật nhắm vào các mục tiêu giả định của kẻ thù trên cao nguyên Tây Tạng.

Bản tin của CCTV cho biết các bài diễn tập còn bao gồm việc truy đuổi và nhắm mục tiêu vào máy bay của đối phương.

Vụ đối đầu xảy ra tại vùng cực nam của cao nguyên Tây Tạng trong một khu vực mà đồng minh Bhutan của Ấn Ðộ đòi chủ quyền.

Trung Quốc kiên quyết yêu cầu Ấn Ðộ phải rút quân khỏi khu vực biên giới tranh chấp trước khi đàm phán có thể diễn ra để giải quyết cho cuộc đối đầu kéo dài lâu nhất giữa hai láng giềng có vũ khí hạt nhân và chung nhau đường biên giới dài 3.500 kilômét mà phần lớn là có tranh chấp.

Căng thẳng leo thang khi quân đội Trung Quốc hồi tháng 6 xây dựng một con đường trên cao nguyên Doklam.

Mặc dù Trung Quốc và Bhutan đã đàm phán phân định biên giới suốt mấy chục năm qua mà không xảy ra những sự việc nghiêm trọng nào, vương quốc nhỏ bé ở Hy Mã Lạp Sơn này mới đây là lên tiếng kiên quyết hơn với sự hỗ trợ từ phía Ấn Ðộ, nước đã đưa binh sĩ từ tỉnh Sikkim băng qua biên giới.

Trung Quốc trả đũa bằng việc chặn một đường đèo ở gần đó mà những người hành hương Ấn Ðộ thường sử dụng để đến Núi Kailash, một địa điểm linh thiêng của Ấn giáo và Phật giáo ở Tây Tạng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đưa cho các phóng viên báo chí xem các tài liệu lịch sử chứng minh rằng chủ quyền của Trung Quốc tại cao nguyên này.

Mặc dù Cao nguyên Doklam không thuộc lãnh thổ của Ấn Ðộ, New Delhi đặc biệt nhạy cảm đối với các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trong khu vực có tầm quan trọng chiến lược.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG